Nhập hơn 1.500 con bò trong vòng 2 ngày, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á toan tính gì?
Hiện tại, sản lượng sữa của quốc gia này chỉ đáp ứng được 21% tổng nhu cầu trong nước, để lại mức thâm hụt khoảng 4,6 triệu tấn sữa mỗi năm.
Bộ Nông nghiệp Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vừa thông báo đã nhập khẩu hơn 1.500 con bò sữa từ Australia nhằm thúc đẩy sản lượng sữa, nâng cao năng suất cho nông dân trong nước, đồng thời hỗ trợ chương trình bữa ăn miễn phí trọng điểm của Tổng thống Prabowo Subianto.

“Chỉ trong 2 ngày, chúng tôi đã đưa 1.573 con bò sữa từ Australia về Indonesia để tăng cường đàn bò sữa và hỗ trợ năng suất của nông dân địa phương”, ông Agung Suganda, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi và Y tế động vật thuộc Bộ Nông nghiệp “xứ sở vạn đảo” cho biết hôm Chủ nhật vừa qua (29/6), theo hãng thông tấn Antara.
Trong số bò sữa được nhập khẩu, 1.088 con gia súc này đã cập cảng Tanjung Tembaga ở thành phố Probolinggo, tỉnh Đông Java, Indonesia vào ngày thứ Bảy (28/6).
Hoạt động nhập khẩu hàng nghìn con bò sữa kể trên do Công ty PT Santosa Agrindo Lestari (Santori) – đơn vị thành viên của Tập đoàn chăn nuôi PT Japfa Comfeed Indonesia thực hiện, phối hợp với các doanh nghiệp khác như nhà sản xuất sữa PT Greenfields Dairy Indonesia, PT Karya Suci Pratama, PT Irfai Berkah Sejahtera, PT Arla Food và hợp tác xã Suka Makmur.
Trước đó, hôm 27/6, 485 con bò sữa cũng đã được đưa về Indonesia qua cảng Tanjung Wangi ở huyện Banyuwangi, tỉnh Đông Java, do Công ty PT Kironggo Joyo hỗ trợ.
Ông Agung cho biết, quyết định nhập khẩu bò sữa phù hợp với định hướng của Chính phủ Indonesia nhằm đẩy nhanh việc tăng số lượng bò sữa và sản lượng sữa quốc gia.
“Chính phủ đặt mục tiêu nâng tổng đàn bò sữa lên 1 triệu con vào năm 2029. Đây là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tự chủ lương thực và hỗ trợ chương trình bữa ăn miễn phí”, ông Agung nhấn mạnh.
Đáng chú ý, sản lượng sữa của Indonesia hiện tại chỉ đáp ứng được 21% tổng nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước. Mỗi năm, “xứ sở vạn đảo” bị thiếu hụt khoảng 4,6 triệu tấn sữa. Điều này cho thấy Indonesia vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn sữa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời cho thấy khoảng trống lớn trong ngành chăn nuôi bò sữa nội địa.
Theo Jakarta Post