G7 viện trợ cho Ukraine 50 tỷ USD, lấy từ tài sản phong tỏa của Nga
Các nhà lãnh đạo G7 thống nhất việc sử dụng tài sản phong tỏa được từ Nga để giúp đỡ Ukraine, cùng nhau đẩy lùi tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các lãnh đạo của nhóm các nước G7đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine 50 tỷ USD vào cuối năm nay bằng cách sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”, một quan chức phủ tổng thống cho biết trước Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, bắt đầu vào ngày 13/6.
Lãnh đạo các nước G7 tại hội nghị năm nay tại Ý |
Vào ngày 11/6, có thông tin cho rằng G7 sẽ thành lập một quỹ để hỗ trợ Ukraine bằng cách sử dụng thu nhập tạo ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga, theo Nikkei Asia đưa tin.
Theo báo cáo, quỹ này sẽ được thành lập dưới sự quản lý của một tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), với sự đóng góp dưới hình thức các khoản vay “Tăng tốc doanh thu đặc biệt” (ERA). Trong khi các nước phương Tây đã phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Nga , họ chỉ có thể tiếp cận nguồn thu nhập do các quỹ này tạo ra, khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Bằng cách thành lập một quỹ với các khoản vay được hoàn trả bằng nguồn thu nhập này, các quốc gia có thể hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine ngoài số tiền này.
Quan chức Pháp được AFP dẫn lời cảnh báo rằng "nếu vì lý do này hay lý do khác, nếu tài sản của Nga không bị phong tỏa hoặc số tiền thu được từ tài sản của Nga không đủ để tài trợ cho khoản vay thì chúng tôi sẽ phải xem xét cách chia sẻ gánh nặng của khoản vay”.
Trước đó, Mỹ đã đề xuất tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga ở các quốc gia phương Tây theo đạo luật REPO nhưng Liên minh châu Âu vẫn do dự hơn vì lo ngại những cạm bẫy về mặt pháp lý và tài chính của việc tịch thu.
Thay vào đó, EU tìm cách sử dụng lợi nhuận được tạo ra từ tài sản bị phong tỏa và chuyển chúng đến Kyiv. Hai phần ba số tài sản bị phong tỏa nằm ở Liên minh châu Âu, phần lớn do cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ nắm giữ. Đến nay, EU đã thiết lập một khuôn khổ để gửi thu nhập đầu tư từ những tài sản này cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky gặp mặt bàn về vấn đề tài sản phong tỏa của Nga trước thềm hội nghị G7 |
Tổng thống Vladimir V. Putin cũng đã ký một nghị định vào ngày 7/6 chỉ ra rằng Moscow sẽ có động thái tự bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào mà họ phải gánh chịu do việc đóng băng tài sản thuộc chủ quyền của Nga mà Mỹ đang tịch thu. Bộ trưởng bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen bác bỏ những lời đe dọa này và cho rằng "điều đó sẽ không ngăn cản chúng tôi tiếp tục hành động để hỗ trợ Ukraine”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết bên lề cuộc họp: “Điểm mấu chốt là đảm bảo nguồn tài chính phù hợp, mạnh mẽ và lâu dài cho Chính phủ Ukraine”. Họ cần sự hỗ trợ của chúng tôi và họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ thống nhất của tất cả các nước G7”.
Mặt trận kinh tế cũng dần nóng lên
Trong một diễn biến liên quan, chương trình nghị sự của các nước G7 cũng cảnh báo việc Trung Quốc bán phá giá hàng xuất khẩu giá rẻ vào thị trường các nước nay. Các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo G7 hướng đến mục đích huy động sức mạnh chung để đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trên phương diện kinh tế - quân sự.
Cuộc thảo luận đề cập đến những hành động thương mại “phi thị trường” của Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ qua: từ gây áp lực có chủ đích đối với các công ty nước ngoài đến các biện pháp mang tính toàn ngành để trả đũa. Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Nhật Bản, ngừng mua lúa mạch, than và rượu vang của Úc, đồng thời chặn xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc.
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ đầy tham vọng hơn nữa được đưa ra khi các Bộ trưởng Tài chính của G7 nhóm họp trong ba ngày tại Stresa, Ý, từ 13/6. Các đề xuất đang được xem xét có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa liên minh các nền kinh tế giàu có của phương Tây với khối kinh tế do Nga, Trung Quốc dẫn đầu, làm trầm trọng thêm sự phân mảnh chính trị và xung đột kinh tế toàn cầu.
Hội nghị G7 năm nay được tổ chức tại Ý với một số lượng kỷ lục các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới - từ Giáo hoàng Francis và Quốc vương Abdullah II của Jordan đến các nhà lãnh đạo Ukraine, Ấn Độ, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Algeria, Tunisia và Mauritanie - được mời tới để bàn về các vấn đề di cư, an ninh Châu Á Thái Bình Dương và an ninh kinh tế. Các phiên họp về trí tuệ nhân tạo, năng lượng và Địa Trung Hải cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Ngoài ra, kênh Al Jazeera của Ả Rập cho biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và người đứng đầu Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng sẽ có mặt.
>> Vượt mặt nhóm G7, BRICS trở thành ‘siêu cường tài nguyên’ mới có thể thống trị toàn cầu