Trong đó Nam Long có phát hành lô trái phiếu tổng giá trị 950 tỷ đồng cho Chứng khoán Kỹ Thương TCBS theo hình thức tín chấp.
CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG) công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 trong đó ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lên mức 1.241 tỷ đồng. Nam Long cho biết, doanh thu quý 2 vừa qua tăng mạnh nhờ đóng góp doanh thu từ bán nhà và căn hộ tại các dự án trọng điểm Akari và Southgate. Trừ chi phí vốn, lãi gộp thu được đạt 561 tỷ đồng, tăng 383% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý đạt 26 tỷ đồng, tăng 190% so với quý 2/2021 và chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi lên 42 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tăng kéo theo chi phí bán hàng tăng mạnh gần gấp 10 lần, lên 158 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 45% lên 120 tỷ đồng.
Những biến động lớn trên khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của Nam Long còn 192 tỷ đồng, gấp 4 lần so với số lãi 48 tỷ đồng đạ được quý 2 năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu Nam Long đạt 1.828 tỷ đồng, tăng 187% so với mức doanh thu 637 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm 2021. Trừ chi phí vốn, nam Long lãi gộp 811 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm khoảng 92% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ, xây dựng, bất động sản cho thuê, chuyển nhượng dự án… Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng đột biến gấp 8 lần, lên 217 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đã tăng mạnh nhiều lần so với tỷ lệ tăng doanh thu.
Tuy vậy, quý 1 năm ngoái Nam Long ghi nhận khoản thu nhập khác gần 430 tỷ đồng từ ghi lãi giao dịch mua giá rẻ để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai. Khoản này được đánh giá lại tài sản tài chính của Waterfront Đồng Nai để đưa công ty này vào hợp nhất trên BCTC của nhóm công ty kết thúc ngày 21/12/2021. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là phát triển Khu đô thị Waterfront City tại tỉnh Đồng Nai.
Kết quả, Nam Long còn lãi sau thuế 225 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, giảm gần 46% so với số lãi 414 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 286 tỷ đồng còn cách rất xa tham vọng lãi 1.526 tỷ đồng công ty đặt ra hồi đầu năm.
Báo cáo ghi nhận tiền và tương đương tiền của Nam Long đến 30/6/2022 đạt hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó công ty để tiền mặt hơn 2,3 tỷ đồng, để 806 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng (giảm gần 460 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và hơn 2.900 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (tăng 1.060 tỷ đồng so với đầu kỳ). Trong khi đó tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng lại giảm 520 tỷ đồng so với đầu năm, về dưới 230 tỷ đồng và khoản tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng tổng giá trị 99 tỷ đồng. Tổng tiền gửi có kỳ hạn của Nam Long tại ngân hàng hơn 3.200 tỷ đồng và tổng cả tiền gửi không kỳ hạn lên trên 4.000 tỷ đồng.
Không chỉ gửi ngân hàng, Nam Long còn mang tiền đi cho lãnh đạo và các cá nhân vay, trong đó ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐQT công ty, đang vay tổng hơn 48,8 tỷ đồng, thời hạn trả chậm nhất đến tháng 12/2022. Ông Cao Tấn Thạch, Thành viên HĐQT, đang vay 37,5 tỷ đồng thời hạn trả chậm nhất đến 31/10/2022. Ngoài ra còn các khoản vay cho các cá nhân là bà Vũ Bích Loan tổng vay hơn 49,5 tỷ đồng, thời hạn trả đến 24/4/2023 và ông Nguyễn Thành Đồng có tổng vay hơn 23,2 tỷ đồng thời hạn trả đến 24/4/2023. Tổng tiền cho 4 cá nhân này vay hơn 159 tỷ đồng.
Dư tiền gửi ngân hàng, nhưng Nam Long cũng là doanh nghiệp đi vay số lượng lớn, trong đó tổng vay ngắn và dài hạn 4.440 tỷ đồng bao gồm vay ngân hàng và vay trái phiếu. Tổng giá trị vay trái phiếu hơn 2.500 tỷ đồng – tăng 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chủ nợ lớn nhất của Nam Long là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với tổng 3 khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó số vay ngắn hạn hơn 440 tỷ đồng kỳ hạn trả từ tháng 9 đến tháng 12/2022 và số vay dài hạn hơn 590 tỷ đồng kỳ hạn trả từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2025.
Chủ nợ lớn thứ 2 của Nam Long là Ngân hàng Mizuho với tổng tiền vay 240 tỷ đồng, ngày đáo hạn trong tháng 5/2023. Và chủ nợ lớn thứ 3 là Techcombank với tổng dư nợ hơn 212 tỷ đồng, ngày đáo hạn từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2025… Ngoài các ngân hàng, Nam Long còn 2 khoản vay tín chấp từ các cá nhân là bà Phan Thị Thu Hiền (130 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thu Hương (92 tỷ đồng) đều có thời hạn trả ngày 30/9/2022.
Đối với các khoản vay trái phiếu tổng hơn 2.500 tỷ đồng, thì CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) chính là trái chủ lớn nhất với các lô trái phiếu tổng giá trị 950 tỷ đồng, có ngày đáo hạn trong tháng 9/2024. Đáng chú ý, lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, là trái phiếu tín chấp.
Manulife Việt Nam là trái chủ lớn thứ 2 với các lô trái phiếu nắm giữ tổng giá trị 780 tỷ đồng. Trái chủ lớn thứ 3 là International Finace Corporation tổng giá trị 500 tỷ đồng, đáo hạn đến tháng 3/2029, được đảm bảo bằng cổ phần.
'Khơi thông' pháp lý phân khu C4, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, các công ty bất động sản nào hưởng lợi?
Nam Long (NLG): Dự án Izumi City được tháo gỡ vướng mắc pháp lý