Nắm trong tay 70% 'kho báu' chiến lược, Trung Quốc có thể 'tung đòn đau' đáp trả Mỹ?
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc hiện sản xuất gần 70% lượng đất hiếm toàn cầu. Việc Bắc Kinh kiểm soát nguồn tài nguyên đặc biệt này từ lâu đã được xem là một “vũ khí địa chính trị”, nhất là khi Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Trung Quốc vừa tăng cường dùng khoáng sản chiến lược làm “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Đây là một động thái có thể khiến nguồn cung các vật liệu quan trọng cho ngành công nghệ cao, như xe điện và vũ khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quyết định này là một phần trong phản ứng của Bắc Kinh trước các mức thuế đối ứng mới do Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong thông báo ngày 4/4, Trung Quốc cho biết sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với bảy loại đất hiếm. Điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp lớn nhất thế giới cho nhóm 17 nguyên tố đất hiếm trong bảng tuần hoàn.
Thông tin này đã khiến cổ phiếu các công ty trong ngành đất hiếm tăng vọt vào đầu tuần. China Rare Earth Holdings Ltd. tăng tới 10% trên sàn Hồng Kông, China Northern Rare Earth Group tăng 9,2%, còn công ty Lynas Rare Earths Ltd. của Úc cũng ghi nhận mức tăng 5,1%.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc hiện sản xuất gần 70% lượng đất hiếm toàn cầu. Việc Bắc Kinh kiểm soát nguồn tài nguyên đặc biệt này từ lâu đã được xem là một “vũ khí địa chính trị”, nhất là khi Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự với những khoáng sản quan trọng khác như gali, gecmani, graphite và antimon, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng trong hai năm qua.
Biện pháp kiểm soát mới không phải là một lệnh cấm toàn diện, nhưng sẽ khiến các lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài bị soi xét kỹ hơn về danh tính người mua và mục đích sử dụng. Thực tế cho thấy, sau khi các biện pháp tương tự được áp dụng trước đây, một số mặt hàng đã chứng kiến lượng xuất khẩu sụt giảm về 0, do các nhà xuất khẩu cần thời gian để đáp ứng yêu cầu cấp phép.
Theo báo cáo từ Citic Securities: “Các biện pháp kiểm soát mới có thể tiếp tục siết chặt nguồn cung toàn cầu”. Các nhà phân tích nhấn mạnh: “Chính sách này nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, đồng thời nâng cao giá trị chiến lược của việc đầu tư vào chuỗi ngành công nghiệp đất hiếm”.

Chuỗi cung ứng toàn cầu dưới áp lực
Danh sách đất hiếm bị kiểm soát lần này gồm: samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium. Tuy nhiên, hai nguyên tố phổ biến nhất – neodymium và praseodymium – lại không nằm trong diện bị hạn chế, dù đây là vật liệu cốt lõi trong việc sản xuất nam châm công suất cao – một trong những ứng dụng nổi bật nhất của đất hiếm.
“Không giống như bảy nguyên tố bị chọn lọc, những nguyên tố này có thể được tìm thấy dễ dàng hơn bên ngoài Trung Quốc, vì vậy việc áp dụng kiểm soát có thể ít tác động hơn. Việc loại trừ này có thể là để giữ lại lựa chọn siết chặt trong tương lai”, Giáo sư David Abraham, hiện giảng dạy tại Đại học Boise State (Mỹ), nhận định.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Trung Quốc cho rằng, các biện pháp kiểm soát mới sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định của chuỗi cung ứng quốc tế. “Miễn là các doanh nghiệp không tham gia vào những hoạt động gây phương hại đến chủ quyền, an ninh hoặc lợi ích phát triển của Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát sẽ không cản trở hoạt động và thương mại bình thường của họ”, tổ chức này tuyên bố.
Động thái siết chặt xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc không chỉ là một phản ứng trước các chính sách thuế của Mỹ, mà còn là lời nhắc nhở về vai trò chiến lược của tài nguyên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào các vật liệu phục vụ công nghệ cao và quốc phòng, đất hiếm trở thành “át chủ bài” mà Bắc Kinh có thể sử dụng để củng cố vị thế và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì thế không chỉ là cuộc đấu về thuế quan, mà còn là màn so găng về quyền kiểm soát những yếu tố cốt lõi của chuỗi cung ứng tương lai.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua thêm vàng trong tháng 3 – tháng thứ năm liên tiếp, Điều này cho thấy nước này đang tăng cường đầu tư vào tài sản an toàn trong bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu ngày càng bất ổn.
Trung Quốc cũng cho biết vẫn còn dư địa để hạ lãi suất và nới lỏng các quy định dự trữ bắt buộc với ngân hàng, nếu cần thiết, nhằm bảo vệ nền kinh tế trước làn sóng thuế quan mới từ phía Mỹ.
>> Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD?
Nga, Mỹ bắt đầu đàm phán về các dự án đất hiếm
Ông Trump dùng quyền khẩn cấp để thúc đẩy khai thác đất hiếm, chuẩn bị ký thỏa thuận với Ukraine