Thế giới

Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD?

Vương Vương 08/04/2025 13:00

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang phải xem xét lại mức độ rủi ro vì tình hình bất ổn ngày càng tăng. Điều này xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh đối đầu trong cạnh tranh thương mại, từ đó định hình tương lai của trật tự thế giới.

Có một sự thật khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, đó là nền kinh tế toàn cầu - dự kiến đạt 115 nghìn tỷ USD trong năm nay - đang hứng chịu cú sốc kép từ Mỹ và Trung Quốc. Và rất ít quốc gia có thể thoát khỏi hệ quả.

Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD? - ảnh 1
Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh đối đầu trong cạnh tranh thương mại

Ông Trump đánh vào "luật chơi cũ"

Chiến lược thuế quan mới của ông Donald Trump là một nỗ lực không giấu giếm nhằm viết lại luật chơi thương mại toàn cầu có lợi cho Mỹ. Nếu kế hoạch này được thực hiện như tuyên bố, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rối loạn, kế hoạch đầu tư phải điều chỉnh lại, giá hàng nhập khẩu tăng mạnh và các mối quan hệ thương mại lẫn an ninh với cả đồng minh lẫn đối thủ sẽ thay đổi toàn diện.

Sự "cách mạng hóa" này, được ông Trump gọi là con đường dẫn tới “Kỷ Nguyên Hoàng Kim của nước Mỹ”, đánh dấu một canh bạc lớn.

Động thái mạnh tay từ Washington diễn ra đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tạo ra một cú sốc âm ỉ cho thế giới. Trong 25 năm qua, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc sản xuất, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

Ông Trump mới đây tuyên bố sẽ tăng thêm 50% thuế với hàng nhập từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với hàng Mỹ — động thái đang đẩy thế giới vào vòng xoáy leo thang không hồi kết.

Thế giới "mắc kẹt" giữa 2 cơn bão

Câu hỏi đặt ra: Ai mới là quốc gia "gây tổn thương" lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu?

Trung Quốc có thể chuyển hướng phần lớn hàng hóa xuất khẩu để bù đắp thị trường Mỹ — tương tự như sau cuộc chiến thương mại đầu tiên thời ông Trump. Nhưng lần này, nhiều nền kinh tế khác cũng đang vật lộn vì mất thị trường Mỹ, khiến cuộc cạnh tranh càng khốc liệt hơn.

Các chuyên gia cảnh báo rằng trong kịch bản tệ nhất, cú sốc từ Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phản ứng mạnh hơn, dẫn đến một làn sóng bảo hộ thương mại lan rộng khắp thế giới. Khi đó, toàn cầu có thể bị chia thành hai phe rõ rệt: một bên là các nước chấp nhận làm theo, bên kia là những nước phản đối. Nhà kinh tế Richard Baldwin chia sẻ tại hội nghị IMF ở Tokyo: “Mọi người chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước viễn cảnh này”.

Dù vậy, Baldwin cho rằng một điểm sáng là Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% tổng thương mại toàn cầu và phần còn lại — bao gồm cả Trung Quốc và EU vẫn mong muốn duy trì hệ thống thương mại mở.

Tác động đến doanh nghiệp và người tiêu dùng

Đối với các tập đoàn như Apple hay Nike, những doanh nghiệp đã đầu tư hàng thập kỷ để xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, thuế quan của ông Trump là đòn giáng vào mô hình kinh doanh cốt lõi, kéo theo đó là giá thành sản phẩm như iPhone sẽ tăng.

Chỉ trong ba ngày sau thông báo, thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc mạnh. Apple chứng kiến đợt bán tháo lớn nhất trong hơn 20 năm.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn tỏ ra không nao núng, khẳng định thuế quan là “trụ cột quan trọng” trong chính sách kinh tế của ông. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick còn nói rõ mục tiêu: “Tái thiết quyền lực nước Mỹ với cả đồng minh lẫn đối thủ”.

Một số chuyên gia cho rằng nếu kế hoạch áp thuế của ông Trump được giữ nguyên và các quốc gia khác đáp trả bằng cách áp thuế ở mức bằng một nửa thì đến năm 2030, lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ thế giới có thể giảm khoảng 30%. Trung Quốc sẽ là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 85%.

Ngay cả các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU hay Ấn Độ cũng không thoát khỏi vòng xoáy: kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm tới 40-50%. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường thay thế. Ví dụ rõ ràng nhất là ngành ô tô điện: chỉ trong 5 năm, xuất khẩu xe hơi Trung Quốc đã tăng hơn 600%, đẩy EU buộc phải áp thuế. Dẫu vậy, các hãng như BYD vẫn bán chạy vượt Tesla ở nhiều nơi, từ châu Âu đến Đông Nam Á và Úc.

Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD? - ảnh 2
Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu lớn cung cấp nhiều mặt hàng cho Mỹ

Trung Quốc "hành động"?

Khi Mỹ rút dần khỏi vai trò dẫn dắt toàn cầu, Trung Quốc tìm cách tận dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng, nhất là ở các nước đang phát triển.

Với thặng dư thương mại lên tới 1.000 tỷ USD, về lý thuyết, Trung Quốc có thể bù đắp phần nào khoảng trống mà nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ để lại. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng: kinh tế trong nước của Trung Quốc đang gặp khó, nhập khẩu giảm hơn 8% và sức mua trong nước vẫn yếu, nên khả năng thay thế vai trò của Mỹ vẫn còn xa vời.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc thêm các gói kích cầu nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước trấn an dư luận: “Bầu trời sẽ không sụp đổ chỉ vì Mỹ lạm dụng thuế quan”.

Tái định hình thế giới

Trong cuộc chơi lớn này, các nền kinh tế đang phát triển — đặc biệt ở châu Phi và châu Á — có thể trở thành nạn nhân lớn nhất. Việc ông Trump cắt bỏ nhiều chương trình viện trợ nước ngoài, kết hợp với các hàng rào thuế quan, đẩy hàng triệu người nghèo vào thế khó.

“Thương mại tự do từng giúp hàng chục triệu người thoát nghèo. Giờ đây, chính nó lại bị biến thành công cụ triệt tiêu cơ hội sống còn của các nước yếu thế”, Karen Mathiasen, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo.

Ngay cả những đồng minh truyền thống như Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đang phải xem xét lại cả chiến lược thương mại và an ninh. Ông Trump có thể dùng các mức thuế như đòn bẩy đàm phán, nhưng những dấu hiệu hiện tại cho thấy ông đang theo đuổi sự thay đổi triệt để — không phải chỉ là chiến thuật nhất thời.

Có thể thấy, với kinh tế toàn cầu, một điều rõ ràng rằng trận chiến thuế quan lần này không chỉ là xung đột thương mại mà là màn tái định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21.

>> Ông Trump tuyên bố giữ vững lập trường thuế quan nhưng gửi tín hiệu đàm phán 'có điều kiện'

Điều khiến Trung Quốc ‘chơi rắn’ với đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump

Chứng khoán quốc gia Đông Nam Á lao dốc, đối mặt 'khủng hoảng' thuế quan toàn cầu

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thuong-mai-my-trung-va-cham-cu-soc-kep-co-the-danh-sap-nen-kinh-te-115000-ty-usd-139978.html
Bài liên quan
  • Ông Donald Trump và canh bạc thuế quan khiến thế giới chao đảo
    Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc, tâm lý bi quan lan rộng sau chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ Phố Wall đến châu Á, châu Âu, nhà đầu tư bán mạnh tài sản.
  • Từng là lực lượng nòng cốt đưa ông Trump tái đắc cử, nông dân Mỹ giờ đây lao đao vì thuế quan
    Với việc tất cả các đối tác thương mại đều trở thành mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, những người nông dân “đầy lo âu” sẽ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới.
  • Dự đoán hệ quả cắt giảm thuế quan với Mỹ
    Việc đàm phán cắt giảm thuế quan với Mỹ mang lại cơ hội lớn về tăng trưởng và hiện đại hóa, nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Thành công của quá trình này không chỉ nằm ở việc mở rộng thị trường mà còn phụ thuộc vào cách mỗi quốc gia phân phối lợi ích, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và đảm bảo chủ quyền kinh tế trong dài hạn.
  • Trung Quốc trả đũa thuế quan, nông sản Mỹ đi đâu về đâu?
    Đầu năm nay, hầu hết nông dân Mỹ hy vọng hòa vốn hoặc ghi nhận một khoản lợi nhuận nhỏ nếu họ có thể hạn chế chi phí sản xuất cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nông dân Mỹ lo lắng mất đi thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD?
    POWERED BY ONECMS & INTECH