NASA sẽ 'xóa sổ' Trạm Vũ trụ Quốc tế lớn nhất ngoài hành tinh, kết thúc sứ mệnh 3 thập kỷ
Theo kế hoạch, công trình này sẽ được đưa ra khỏi quỹ đạo sau khi hoàn thành sứ mệnh kéo dài 32 năm.
Vào ngày 17/7, NASA và SpaceX đã chính thức công bố kế hoạch hợp tác để đưa Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - công trình lớn nhất từng được xây dựng ngoài hành tinh xuống Trái Đất. Theo kế hoạch, ISS sẽ được đưa ra khỏi quỹ đạo vào đầu năm 2031, sau khi hoàn thành sứ mệnh kéo dài 32 năm.
Phương án được lựa chọn là đốt cháy ISS trong bầu khí quyển Trái Đất, sau đó thả những mảnh vỡ còn lại xuống đại dương. Đây được đánh giá là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất so với các phương án khác như tháo rời trạm và mang về Trái Đất hoặc bàn giao cho tổ chức khác vận hành.
Trước đó, vào tháng 6, NASA đã ký hợp đồng trị giá 843 triệu USD với SpaceX để thực hiện sứ mệnh hạ cánh ISS. Đây là hợp đồng lớn nhất mà SpaceX từng nhận được từ NASA, đồng thời khẳng định vị thế dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tư nhân.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đang cho thấy dấu hiệu "lão hóa". Nga và Mỹ đã phóng các thành phần đầu tiên của trạm vào cuối năm 1998 và đón các phi hành gia đầu tiên đến hai năm sau đó. Châu Âu và Nhật Bản cũng đã đóng góp các thành phần riêng của họ cho trạm, trong khi Canada cung cấp cánh tay robot.
ISS đã phát triển đến kích thước tương đương một sân bóng đá, với trọng lượng khoảng 430.000kg. NASA dự tính trạm có thể tiếp tục hoạt động ít nhất đến năm 2030. Khi đó, NASA hy vọng rằng các công ty tư nhân sẽ có khả năng phóng trạm vũ trụ của riêng họ vào không gian, trong đó NASA sẽ là một trong nhiều khách hàng.
Chiến lược này sẽ giúp NASA tập trung tài nguyên và nhân lực vào các mục tiêu lớn hơn như du lịch Mặt Trăng và Sao Hỏa. Tuy nhiên, NASA cũng có thể quyết định kéo dài tuổi thọ của ISS nếu không có bất kỳ tiến bộ thương mại nào có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học liên tục.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Được xây dựng dựa trên sự chung tay góp sức của nhiều quốc gia, ISS hiện là thành tựu vĩ đại của nỗ lực hợp tác toàn cầu, mở ra cánh cửa cho những khám phá khoa học đột phá.
Kể từ khi những cấu phần đầu tiên được lắp đặt vào năm 1998, ISS đã trở thành ngôi nhà chung cho các phi hành gia từ khắp nơi trên thế giới. Đến nay, đã có 273 người từ 21 quốc gia đặt chân lên trạm vũ trụ này, thực hiện hàng nghìn nghiên cứu khoa học mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại.
Trải qua 26 năm hoạt động, ISS không chỉ là "tiền đồn" bận rộn trên quỹ đạo Trái Đất mà còn là phòng thí nghiệm quy mô lớn duy nhất cho phép con người nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực.
>> Vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam cách trái đất gần 36.000km, vốn đầu tư 300 triệu đô
Việt Nam sẽ có Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ 200 tỷ đồng
Phát hiện 'vàng đen' quý hiếm, cứng hơn kim cương được tàu vũ trụ Trung Quốc đưa về từ Mặt trăng