Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'nợ ngập đầu', người dân dặn lòng phải thắt lưng buộc bụng
Quý I/2025, nền kinh tế Hàn Quốc ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất trong số 19 quốc gia lớn đã có số liệu thống kê. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do những thách thức về mặt nhân khẩu học.
Theo hệ thống thống kê kinh tế của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) – dựa trên số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc đã giảm 0,246% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong nhóm 19 quốc gia đã công bố dữ liệu kinh tế quý I, trong đó 18 nước (trừ Trung Quốc) là thành viên OECD.
Đứng đầu danh sách về tăng trưởng là Ireland với mức tăng 3,219%, tiếp theo là Trung Quốc (1,2%), Indonesia (1,124%) và Tây Ban Nha (0,568%). Các nền kinh tế lớn khác ghi nhận mức tăng khiêm tốn: Canada (0,4%), Italy (0,26%), Đức (0,211%) và Pháp (0,127%). Ngoài Hàn Quốc, chỉ có Hungary và Mỹ ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I, với mức giảm lần lượt là 0,152% và 0,069%.
Trước đó, vào cuối tháng 4, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã công bố số liệu ban đầu cho thấy GDP quý I giảm 0,2%. Con số này thấp hơn một chút so với số liệu của OECD (giảm 0,246%), do hai bên sử dụng mốc thời gian thống kê khác nhau. BOK cho biết sẽ cập nhật số liệu chính thức vào tháng 6.

Hiện nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ kéo dài, chủ yếu do tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu kém khả quan. Tốc độ tăng trưởng thực tế đã duy trì dưới mức 1% trong bốn quý liên tiếp. Theo BOK, nền kinh tế chỉ tăng 0,1% trong cả quý III và quý IV năm 2024, sau khi sụt giảm 0,2% trong quý II.
Người dân Hàn Quốc giảm chi tiêu, một phần là do tỷ lệ nợ hộ gia đình quá cao. Cụ thể, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc đạt 91,7% vào cuối năm 2024. Nước này đã giữ vị trí số 1 liên tục từ năm 2020 đến 2023, với tỷ lệ vượt 100%.
Trong bối cảnh đó, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) gần đây dự báo tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc – tức tốc độ tăng trưởng tối đa mà không gây ra lạm phát – sẽ chỉ đạt 1,8% trong năm nay, thấp hơn mức 2% do BOK ước tính.
Trong báo cáo công bố tuần trước, KDI nhận định tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc có thể duy trì ở mức khoảng 1,5% đến năm 2030 – giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo năm 2022. Xa hơn, tốc độ này có thể giảm xuống còn 0,7% trong thập niên 2030 và chỉ còn 0,1% vào những năm 2040, do ảnh hưởng của già hóa dân số và các yếu tố nhân khẩu học khác.
“Để ứng phó với tình trạng tăng trưởng chậm mang tính cơ cấu, cần tập trung năng lực quốc gia vào việc nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp” – báo cáo nhấn mạnh.
Tham khảo Korea Herald
Quyền Tổng thống Hàn Quốc sẽ từ chức để ra tranh cử
Hàn Quốc bất ngờ tuyên bố khó đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước ngày 3/6