Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, hàng loạt công ty kinh doanh ảm đạm

Trình Long 12/05/2025 09:17

Nền kinh tế Nhật Bản có thể đã suy giảm trong quý đầu tiên của năm nay, báo hiệu những yếu kém nội tại ngay cả trước khi các biện pháp thuế quan từ Mỹ thực sự có hiệu lực.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, được dự báo sẽ giảm 0,3% trong quý I nếu tính theo tốc độ tăng trưởng hàng năm. Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên trong một năm qua nền kinh tế Nhật Bản bị thu hẹp.

Một sự sụt giảm như vậy sẽ làm lu mờ kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và gây trở ngại cho tham vọng tái tranh cử của Thủ tướng Shigeru Ishiba vào mùa hè này. Nó cũng cho thấy nền tảng kinh tế yếu ớt của Nhật Bản ngay cả trước khi đối mặt với thuế quan từ Mỹ và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kỹ thuật.

Trong báo cáo GDP sơ bộ - dự kiến được công bố vào thứ Sáu (ngày 16/5), giới phân tích dự đoán nhiều yếu tố sẽ tác động tiêu cực. Xuất khẩu ròng được dự báo sẽ kéo lùi tăng trưởng sau khi nhập khẩu bất ngờ giảm trong quý trước. Tiêu dùng hộ gia đình vẫn ảm đạm do áp lực lạm phát cao.

“Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản không có động lực tăng trưởng rõ ràng. Và đây là trước khi các mức thuế của ông Donald Trump bắt đầu có tác động. Tôi cho rằng khả năng cao Nhật sẽ tiếp tục suy giảm thêm một quý nữa”, ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận định.

Nếu các dữ liệu kinh tế yếu được xác nhận, điều này sẽ gây thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản, trong bối cảnh đàm phán thương mại với Mỹ chưa có tiến triển. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thừa nhận “cần một khoảng thời gian rất dài” để đạt thỏa thuận với Nhật, trong khi Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố đạt được thỏa thuận khung với Anh.

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới 'lung lay': Người dân hạn chế chi tiêu, hàng loạt công ty kinh doanh ảm đạm - ảnh 1
Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản từ quý I năm 2024 đến quý I năm 2025

Dữ liệu sắp công bố có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục giữ thái độ thận trọng. Hồi đầu tháng, Hội đồng điều hành do Thống đốc Kazuo Ueda đứng đầu cho biết họ sẽ hoãn ít nhất một năm kế hoạch đưa lạm phát về mức ổn định. Cùng lúc, họ cũng hạ một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài khóa này – đây là mức điều chỉnh giảm mạnh nhất kể từ năm 2023.

Sau những tín hiệu mềm mỏng từ cuộc họp chính sách ngày 1/5, nhiều tổ chức tài chính như Goldman Sachs và Barclays đã lùi dự báo thời điểm tăng lãi suất tiếp theo của BOJ. "BOJ có thể phải chờ đến ít nhất năm sau. Không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương thậm chí phải xem xét cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay", ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại UBS Securities và là cựu quan chức BOJ cho biết.

Các tập đoàn lớn của Nhật bắt đầu hạ dự báo lợi nhuận do ảnh hưởng từ thuế quan. Tuần trước, Toyota Motor Corp. cho biết lợi nhuận của họ có thể giảm khoảng 1/3 trong năm tài khóa này. CEO Koji Sato thừa nhận: “Chi tiết các mức thuế còn rất mơ hồ, khiến chúng tôi khó có thể đưa ra bước đi rõ ràng”.

Việc lợi nhuận doanh nghiệp bị bào mòn càng làm tăng lo ngại về tính bền vững của vòng xoáy lạm phát – tiền lương tại Nhật. Tiêu dùng hộ gia đình vẫn yếu khi thu nhập thực tế liên tục giảm trong ba năm qua, trong khi chi phí sinh hoạt đã vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của BOJ.

“Nhật Bản đang trải qua một dạng ‘lạm phát đình trệ’ của riêng mình. Tiêu dùng hộ gia đình không đủ mạnh để hỗ trợ phục hồi kinh tế ở mức độ vừa phải”, ông Adachi nói.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dữ liệu GDP của Nhật thường xuyên gây bất ngờ và có thể được điều chỉnh mạnh. Trong báo cáo sơ bộ quý trước, GDP tăng trưởng 2,8% hàng năm – hơn gấp đôi ước tính trung bình là 1,1%, chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm. Ông Shinke cho rằng tiêu dùng dịch vụ có thể bất ngờ mạnh mẽ trong quý này, dựa trên dữ liệu gần đây từ ngành dịch vụ.

Tăng trưởng tiềm năng của Nhật hiện được ước tính chỉ ở mức 0,6% – thấp nhất trong nhóm G7, theo Văn phòng Nội các Nhật Bản. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương ngay cả với những cú sốc nhỏ. Nếu suy giảm, đây sẽ là quý thứ 6 Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ năm 2021 – so với chỉ hai lần ở Mỹ.

“Một rủi ro lớn rõ ràng đến từ ông Trump – chỉ một người thôi cũng có thể khiến triển vọng thay đổi hoàn toàn. Nhưng hiện tại thật khó để lạc quan và tôi không thể loại trừ khả năng suy thoái”, ông Shinke nói.

>> Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, đến mua thịt cũng phải cân nhắc

Dòng vốn ồ ạt rút khỏi Mỹ rồi đổ mạnh vào Nhật Bản và châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra?

Ông lớn Nhật Bản sẽ mở 100 đại siêu thị tại Việt Nam, quyết cạnh tranh với BigC

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-4-the-gioi-lung-lay-nguoi-dan-han-che-chi-tieu-hang-loat-cong-ty-kinh-doanh-am-dam-142183.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, hàng loạt công ty kinh doanh ảm đạm
    POWERED BY ONECMS & INTECH