Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á lung lay: Dân số tại thành phố top đầu có nguy cơ ‘biến mất’, nhà chức trách nỗ lực giải cứu trong vô vọng
Kim Se-hyun, Giám đốc Trung tâm Đánh giá Tác động Dân số tại Viện Phát triển Busan, cho biết dân số thành phố dự kiến giảm 33,57% từ năm 2020 đến 2050, so với mức giảm 21,45% của Seoul.
EH Seo, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Busan - thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay từ đầu, cô đã luôn chắc chắn rằng mình sẽ học tập và làm việc ở một nơi khác.
“Không chỉ bố mẹ tôi mà hầu hết các bậc phụ huynh đều mong con cái chuyển đến Seoul”, Seo chia sẻ. Cô đã rời Busan ngay sau khi tốt nghiệp Trung học và hiện đang làm việc tại thủ đô.
![Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á lung lay: Dân số tại thành phố top đầu có nguy cơ ‘biến mất’, nhà chức trách nỗ lực giải cứu trong vô vọng - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_10-_screenshot_2025-02-10_094109_negr.png)
Trong thế kỷ 20, Busan từng là một trung tâm thương mại và công nghiệp sầm uất. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người trẻ đã rời khỏi thành phố để tìm cơ hội ở nơi khác, khiến dân số già đi nhanh hơn bất kỳ khu vực đô thị nào khác ở Hàn Quốc – một quốc gia vốn đã có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Busan bắt đầu suy giảm từ những năm 1990 khi các ngành công nghiệp địa phương gặp khó khăn do Hàn Quốc chuyển sang nền kinh tế công nghệ cao.
Năm ngoái, Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc đã xếp Busan vào danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng”, do sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động và dân số không lao động đang đe dọa tính bền vững kinh tế của thành phố.
Hiện tại, Busan có 3,3 triệu dân, nhưng đã mất 600.000 người từ năm 1995 đến 2023. Các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng tốc khi dân số già đi và Seoul tiếp tục củng cố vị thế trung tâm kinh tế của cả nước.
Đáng chú ý, dù là nơi khai sinh của các tập đoàn hàng đầu như Samsung và LG, nhưng không có công ty nào trong top 100 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc đặt trụ sở chính tại đây. “Số lượng người trẻ rời đi ngày càng nhiều. Mỗi lần tôi quay lại, tôi đều cảm thấy thành phố mất đi sức sống”, Seo chia sẻ.
Dẫu vậy, Busan vẫn có nhiều lợi thế như cảnh quan đẹp với núi non và bãi biển, đền chùa cổ kính, cuộc sống về đêm sôi động cùng các liên hoan phim và nghệ thuật nổi tiếng. Thành phố cũng gần Nhật Bản và các khu công nghiệp lớn ở bờ biển phía Đông Hàn Quốc.
Busan: Từ trung tâm kinh tế đến nguy cơ suy giảm dân số
Trong những năm 1960-1970, Busan phát triển mạnh nhờ chính sách công nghiệp hóa của Hàn Quốc, trở thành đầu mối xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế chuyển sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, vai trò của thành phố dần mờ nhạt. Các công ty lớn tập trung quanh Seoul, cảng Incheon thay thế Busan trong hoạt động thương mại; đồng thời các Viện nghiên cứu cũng di chuyển để tiếp cận lao động tay nghề cao.
Phó Thị trưởng Busan, ông Lee Jun-seung nói rằng chính quyền trung ương đã ưu tiên phát triển Seoul nhằm cạnh tranh với Nhật Bản và Trung Quốc, theo đó Busan bị tụt lại phía sau. Nhà nghiên cứu Lee Sang-ho của KEIS cũng nhận định rằng sự tập trung hóa đã khiến các thành phố ngoài Seoul, bao gồm Busan, rơi vào vòng xoáy suy thoái. Ban đầu, các vùng nông thôn chịu ảnh hưởng, nhưng nay ngay cả những đô thị lớn cũng không tránh khỏi tác động.
![Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á lung lay: Dân số tại thành phố top đầu có nguy cơ ‘biến mất’, nhà chức trách nỗ lực giải cứu trong vô vọng - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_10-_screenshot_2025-02-10_094132_uaxl.png)
Ông nói thêm rằng, trong khi nhiều thanh niên ở Busan vẫn có thể tìm được việc làm trong các trung tâm công nghiệp khác ở khu vực phía Đông Nam, thì phụ nữ thường phải chuyển đến Seoul để tìm kiếm cơ hội trong ngành dịch vụ.
Kim Se-hyun, Giám đốc Trung tâm Đánh giá Tác động Dân số tại Viện Phát triển Busan, cho biết dân số thành phố dự kiến giảm 33,57% từ năm 2020 đến 2050, so với mức giảm 21,45% của Seoul. Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tại Busan sẽ suy giảm nhanh hơn, dù nguy cơ “tuyệt chủng” theo nghĩa đen vẫn còn xa vời.
Chưa hết, với mức 0,72 vào năm 2023 - số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sinh trong suốt cuộc đời, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, dù là trung tâm thu hút người trẻ từ khắp cả nước, Seoul còn có tỷ lệ sinh thấp hơn nữa, chỉ đạt 0,55. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ sinh 2,1 là mức cần thiết để duy trì sự ổn định dân số.
Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm của các nền kinh tế địa phương ngày càng rõ ràng khi mô hình tập trung vào Seoul không còn tạo ra mức tăng trưởng GDP đủ để bù đắp tác động của khủng hoảng nhân khẩu học.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống còn 1,6 đến 1,7%, giảm so với mức 2,3% dự báo trước đó. Thống đốc Rhee Chang-yong từng đề xuất các giải pháp quyết liệt, bao gồm giới hạn tuyển sinh Đại học tại các khu vực giàu có ở Seoul, nhằm khuyến khích người dân quay lại các tỉnh.
Phó Thị trưởng Busan, Lee Jun-seung, kêu gọi phân quyền tài chính để thu hút lao động trẻ có tay nghề và nhấn mạnh nhập cư là yếu tố quan trọng. Thành phố đang lên kế hoạch cấp thị thực đặc biệt cho sinh viên và lao động Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Lee Sang-ho của KEIS cảnh báo nếu không giải quyết sự mất cân bằng trong phát triển khu vực, ngay cả người nhập cư cũng sẽ chọn Seoul thay vì Busan.
Tham khảo FT
Siêu cường mạnh nhất châu Á: GDP đạt mục tiêu nhưng thị trường BĐS khủng hoảng, dân số tiếp tục giảm
1/3 dân số Hàn Quốc có tài khoản giao dịch tiền số, 'nóng' hơn cả chứng khoán