Số thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và những nỗ lực của ngành tài chính.
Bộ Tài chính vừa công bố số liệu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 5 tháng đầu năm 2024. Cơ quan này nhận định, số thu ngân sách đạt khá so với dự toán và tăng so cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và những nỗ lực của ngành tài chính.
Theo đó, lũy kế 5 tháng, thu NSNN ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng gần 15% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 56,5% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 49,1% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt 757,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô ước đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, giảm 5,5%.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt gần 116,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 164,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán, tăng 6,8% so với cùng kỳ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán.
Trong số thu nội địa, các khoản thu từ nhà, đất ước đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,2% so với dự toán, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Số thu tăng chủ yếu do các địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024, một số địa phương phát sinh thu tiền thuê đất một lần của các dự án.
Đáng chú ý, thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) ước đạt 54,1% dự toán, tăng 12,7%, chủ yếu do các doanh nghiệp đã tạm nộp 3/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2024. Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 55% dự toán, tăng 13,9%. Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 43,6% dự toán, tăng 20,3%. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 62,3% dự toán, nhưng giảm 5,5% so với cùng kỳ...
Thu NSNN 5 tháng tăng 15%. Ảnh minh hoạ |
Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và số thu nộp NSNN (thu từ 3 khu vực kinh tế ước đạt 54,1% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ). Thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện (mặc dù mới đạt khoảng 32,9% dự toán, nhưng tăng 91,2% so cùng kỳ).
Thu hồi nợ đọng thuế đã góp phần hiệu quả vào tăng thu NSNN. Theo đó, cơ quan thuế đã tăng cường công tác thu, chống thất thu, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Ước tính đến hết tháng 5 đã xử lý, thu hồi được 37,1 nghìn tỷ đồng nợ đọng thuế.
Ngoài ra, số thu tăng mạnh so cùng kỳ còn do năm 2023 thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ, làm giảm thu trong thời gian được gia hạn trong 5 tháng đầu năm khoảng 38 nghìn tỷ đồng, năm 2024 không phát sinh số thuế được gia hạn (không tính yếu tố gia hạn này, thu nội địa 5 tháng tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 23/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 50% dự toán: 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ về NSNN.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý thu NSNN tiếp tục tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, rà soát giá tính thuế sát giá thị trường; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới.
Thứ hai, cơ quan thuế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an đẩy mạnh chuẩn hóa mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.