Tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào Việt Nam đạt 2,36 tỷ USD với tổng số 444 dự án.
Đức là nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới, đạt khoảng 4,075 tỷ USD, theo số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong nhiều năm qua, quốc gia này đã liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư từ Đức đạt 2,36 tỷ USD với tổng số 444 dự án, xếp thứ 18 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào nước ta.
Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng và bảo hiểm - chiếm trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam.
Các dự án phân bổ tại gần 40 tỉnh, thành phố của nước ta. Trong đó tập trung hầu hết vào các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Đồng Nai (chiếm khoảng 16 % tổng vốn đầu tư), Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 15 % tổng vốn đầu tư), Ninh Thuận, Long An, Quảng Nam, Hà Nội…
Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như dự án Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa, vốn đăng ký 190 triệu USD; dự án Công ty Schaeffler Việt Nam, vốn đăng ký 166,7 triệu USD tại Đồng Nai và dự án Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp, tổng đầu tư 130 triệu USD tại Quảng Ngãi.
Ngoài ra, một số tập đoàn đa quốc gia của Đức cũng đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Daimler - Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes - Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens...
Ngoài Đức, Việt Nam hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,6 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Theo sau là Singapore với gần 73,4 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).