Doanh nghiệp

Nền kinh tế Việt Nam có thể chạm mốc 2.000 tỷ USD

Giai Nhi 08/10/2024 - 09:04

Theo dự báo, với hơn 100 triệu dân, GDP của Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng dao động từ 6-7%.

Ngày 6/10, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại TP. HCM, ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã có buổi giao lưu với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên và công dân trẻ tiêu biểu của TP. HCM. Chủ đề buổi gặp gỡ là "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ".

Mở đầu buổi trò chuyện, ông Klaus Schwab chia sẻ về Kỷ nguyên Trí tuệ và vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh, thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang tạo ra những biến đổi mạnh mẽ, tái định hình nhiều ngành công nghiệp và tác động đến cấu trúc xã hội theo những cách chưa từng có.

Ông Schwab đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong việc đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ và số hóa, thông qua các chính sách tầm nhìn của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh trong Kỷ nguyên Trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và khai thác công nghệ số.

"Với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng dao động từ 6-7%, và độ tuổi trung vị chỉ hơn 30, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050", ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

>> Bất ngờ tổng thu ngân sách Nhà nước của 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Nền kinh tế Việt Nam có thể chạm mốc 2.000 tỷ USD
Quang cảnh buổi Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Trong buổi trao đổi với lãnh đạo TP. HCM và các đại biểu tham dự, ông Schwab đã khẳng định Việt Nam đang chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ, với mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025, là một nền tảng quan trọng trong hành trình bước vào Kỷ nguyên Trí tuệ.

Ông cũng chỉ ra 4 lĩnh vực công nghệ đang định hình lại bối cảnh Việt Nam, bao gồm: AI và tự động hóa trong sản xuất; thương mại điện tử và dịch vụ số; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển bền vững và công nghệ xanh.

Tuy nhiên, Klaus Schwab cũng lưu ý rằng, tiến bộ công nghệ không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức cho Việt Nam. Việc AI và tự động hóa có thể thay thế một số công việc trong sản xuất và nông nghiệp là vấn đề nghiêm trọng đối với quốc gia có lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào các ngành này. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số cũng đòi hỏi Việt Nam phải đối mặt với những câu hỏi về đạo đức và văn hóa, như đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng và việc sử dụng AI một cách có đạo đức.

Ông Klaus Schwab khẳng định, Việt Nam không thể bước vào Kỷ nguyên Trí tuệ một cách đơn lẻ, mà cần sự hợp tác cả trong khu vực ASEAN lẫn toàn cầu. Ông đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về chuyển đổi số, đặc biệt thông qua Kế hoạch Tổng thể ASEAN số 2025, nhằm thúc đẩy thương mại số, an ninh mạng và phát triển hạ tầng số.

Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong các vấn đề này là rất quan trọng, đặc biệt trong việc hài hòa các quy định về số hóa và tạo điều kiện cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Trên trường quốc tế, Việt Nam đang khẳng định vị trí tiên phong trong hợp tác đa phương. Thông qua việc tham gia các tổ chức quốc tế như WTO và Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể đóng góp vào việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị dữ liệu, thương mại số và đạo đức AI", ông Klaus Schwab khẳng định.

>> 2 địa phương dẫn đầu cả nước, trở thành 'ngôi sao' về tăng trưởng GRDP trong 9 tháng đầu năm

Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD

Tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL có 3 TP trực thuộc, sắp xây dựng 2 khu công nghiệp 800ha

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nen-kinh-te-viet-nam-co-the-cham-moc-2000-ty-usd-252401.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế Việt Nam có thể chạm mốc 2.000 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH