Nếu vô tình 'mắc bẫy' thẻ tín dụng, đâu là cách xử lý?

15-03-2024 17:29|Minh Nguyệt

Từ vụ việc "Thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8 tỷ", người dùng nên có phương án xử lý kịp thời khi vô tình "mắc bẫy" từ thẻ tín dụng.

Cẩn trọng với thẻ tín dụng

Gần đây, mạng xã hội xôn xao thông tin người đàn ông có tên P.H.A sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng vào năm 2013.

Sau 11 năm, đến ngày 30/10/2023, người đang ông được Ngân hàng Eximbank gửi đơn thông báo về khoản nợ quá hạn đối với toàn bộ khoản vay này, với tổng số nợ lãi lên đến 8,8 tỷ đồng, trong khi dư nợ gốc chỉ 8,5 triệu đồng.

Trước thông tin trên, nhiều người không khỏi “sốc” trước số tiền "lãi mẹ đẻ lãi con" khủng này. Vụ việc đang được Ngân hàng Nhà nước làm rõ, hiện chưa phân định đúng sai.

>> Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ: Khách bức xúc 'tôi không vay xu nào'

Nếu vô tình mắc 'bẫy' thẻ tín dụng, làm thế nào để 'thoát'?
"Rắc rối" từ thẻ tín dụng không xảy ra ngày một ngày hai

Những "rắc rối" xảy ra khi xử dụng thẻ tín dụng không chỉ xảy ra ngày một ngày hai, chị Phương Anh (TP. HCM) không quên sự cố "thiếu 1 triệu mà phải nộp lãi 2,5 triệu đồng". Chị cho biết, mình có 1 kỳ thanh toán 21 triệu đồng đến hạn nhưng do nhớ nhầm (thanh toán thành 2 đợt) nên khi chuyển khoản thanh toán khoản nợ trên, tổng số tiền chị chuyển chỉ 20 triệu đồng, còn thiếu 1 triệu đồng. Tháng sau đó, chị sử dụng thẻ mua hàng lên 90 triệu đồng. Đến kỳ trả nợ, ngân hàng báo lãi chị phải trả là 2,5 triệu đồng.

Thấy lịch trả nợ đúng hạn nhưng bị tính lãi, chị Phương Anh phản ánh lên ngân hàng mới tá hỏa với cách tính. Dù thiếu 1 triệu đồng chậm trả nhưng số tiền lãi sẽ được tính trên 111 triệu đồng của 2 kỳ trả nợ. Ở đây, khách hàng đã trả 20 triệu đồng cũng vẫn chịu tính lãi; còn số tiền 90 triệu đồng của kỳ sau cũng tính lãi luôn, không được hưởng tiện ích chậm thanh toán trong vòng 45 ngày (có thẻ tín dụng được chậm 55 ngày).

>> Eximbank: Thanh tra vào cuộc vụ nợ 'quên trả' và phải trả hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm

Lỡ "dính" rắc rối thẻ tín dụng, người sử dụng thẻ cần làm gì?

Nếu vô tình mắc 'bẫy' thẻ tín dụng, làm thế nào để 'thoát'?
Nên xử lý thế nào khi "lỡ" dính phải rắc rối thẻ tín dụng?

Thứ nhất, trao đổi với luật sư, trong trường hợp không may vướng phải nợ xấu và bị ngân hàng khởi kiện dân sự ra toà như trường hợp của ông P.H.A, người dùng cần trình bày rõ lý do và đưa ra căn cứ chứng minh bản thân không vi phạm. Phía ngân hàng và người sử dụng cần quay lại thời điểm ban đầu vụ việc để suy xét, xử lý vấn đề.

Thứ hai, khi phát hiện vướng phải rắc rối thẻ tín dụng, người dùng cần liên hệ ngân hàng ngay lập tức. Tuyệt đối không giấu giếm vì càng để lâu, sự việc càng phức tạp. Người sử dụng thẻ cần liên hệ cho ngân hàng phát hành thẻ về tình huống để họ có phương án xử lý kịp thời.

Đã có nhiều trường hợp, người dùng không biết cách bảo quản thẻ tín dụng, khiến bản thân bị mất tiền oan. Cụ thể, nhiều trường hợp người dùng để lọt thông tin thẻ tín dụng khi chi tiêu. Ngoài ra, vì không có chức năng xác minh bằng mã OTP khi quẹt thẻ bằng máy POS, nên việc đánh mất thẻ cũng là rủi ro thường gặp, khiến tiền "không cánh mà bay".

Trước trường hợp này, người dùng cần báo ngay cho ngân hàng, cung cấp bằng chứng rõ ràng về các giao dịch không phải của mình để ngân hàng có ngay phương pháp giải quyết. Ngoài ra, người dùng nên khoá thẻ kịp thời để hạn chế các giao dịch phát sinh không phải của mình.

>> Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

"Lời cảnh tỉnh" cho người sử dụng thẻ tín dụng

Nếu vô tình mắc 'bẫy' thẻ tín dụng, làm thế nào để 'thoát'?
Vụ việc gần đây như "hồi chuông" cảnh tỉnh cho người sử dụng thẻ tín dụng

Việc chậm trả nợ các khoản vay sẽ ảnh hưởng lớn đến điểm tín dụng cá nhân. Hiện nay, mọi khoản nợ của khách hàng tại ngân hàng, công ty tài chính đều được báo cáo và ghi nhận tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Theo đó, nợ quá hạn càng lâu sẽ thuộc danh sách nhóm nợ càng cao. Khách hàng bị ghi nhận có nợ quá hạn tại CIC, thường gọi là "lịch sử tín dụng không tốt", sẽ khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, công ty tài chính; trong trường hợp được vay vốn thì lãi vay cũng sẽ cao hơn những khách hàng khác.

Chính vì vậy, để tránh bị "sập bẫy" tín dụng, khách hàng khi mở thẻ cần đọc kỹ hợp đồng, thực hiện đúng cam kết trên hợp đồng vay, bao gồm: trả nợ đúng hạn và đủ số tiền được quy định. Người dùng nên thường xuyên kiểm tra sao kê, số dư tín dụng và báo cáo tín dụng hàng tháng của CIC để kiểm soát khoản vay, tránh trường hợp có giao dịch phát sinh không hợp lý.

>> Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?

Tín dụng giảm tốc, cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, liệu nhóm ngân hàng có còn hấp dẫn?

Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-vo-tinh-mac-bay-the-tin-dung-dau-la-cach-xu-ly-226451.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nếu vô tình 'mắc bẫy' thẻ tín dụng, đâu là cách xử lý?
    POWERED BY ONECMS & INTECH