Nga nêu lý do bất ngờ khiến kinh tế phương Tây trì trệ
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, các nước phương Tây đang “tự bắn vào chân mình” khi áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Bộ trưởng Siluanov đưa ra nhận định trên trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 6/6 liên quan đến việc Nga được xếp hạng là nền kinh tế thứ 4 trên thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).
Vào tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới kể từ năm 2021, vượt qua cả Nhật Bản và Đức.
“Tôi nghĩ các lệnh trừng phạt đối với Nga là nguyên nhân. Các quốc gia phương Tây vui vẻ áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận nhằm gây áp lực kinh tế chống Moscow, nhưng họ lại tự bắn vào chân mình. Nền kinh tế của phương Tây đang rơi vào tình trạng trì trệ, còn nền kinh tế của chúng tôi đang phát triển. Quá trình tăng trưởng kinh tế của Nga đã tăng tốc” - đài RT dẫn phát biểu của Bộ trưởng Siluanov cho hay.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 3,6% trong năm 2023. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế Nga được cho có thể tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến khác trong năm nay. Theo đó, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%), và Pháp (0,7%).
Theo Bộ trưởng Siluanov, Nga đã học được cách vượt qua những giai đoạn khó khăn và “hỗn loạn” nhất như thời điểm đại dịch Covid-19, và đặc biệt là các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Điều này đạt được là nhờ vào chính sách tiền tệ và ngân sách mà Moscow áp dụng.
Cũng tại SPIEF, Phó Thủ tướng Alexander Novak ngày 7/6 cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 2,8-3% trong năm nay là khả thi, thậm chí có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, cơ quan quản lý đã đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4%. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng ở Nga ở mức 7,8%.
Sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022 và kéo theo các biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhằm vào Moscow, lạm phát ở Nga đã tăng lên gần 18% vào tháng 4/2022.
Trong hơn 2 năm qua, các nước phương Tây đã ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga, tách Moscow khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hạn chế thương mại và đóng băng các tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Nga.
Trong nỗ lực gia tăng áp lực trừng phạt, hoạt động nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ cùng các tài nguyên thiên nhiên khác từ Nga cũng bị cấm hoặc hạn chế, dẫn đến giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến.
Đáp trả, Nga đã chuyển hướng thương mại sang châu Á, và nỗ lực từ bỏ đồng USD trong giao dịch thương mại mà thay vào đó sử dụng đồng nội tệ.
Trong khi đó, tờ Bloomberg hôm 6/6 đưa tin, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã tăng gần 50% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, do giá dầu thô tăng vọt và nước này tiếp tục thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Doanh thu từ việc xuất khẩu dầu của Nga tăng bất chấp áp lực quốc tế và dự báo thâm hụt. Các khoản thuế liên quan đến dầu mỏ đã tăng lên 632,5 tỷ ruble (7,1 tỷ USD) trong tháng 5, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính Nga.
Dữ liệu cho thấy tổng lợi nhuận từ dầu khí tăng 39% lên 793,7 tỷ ruble (8,9 tỷ USD), sau khi giá dầu thô Urals hàng đầu của Nga tăng dần.
Bộ Tài chính Nga tính thuế tháng 5 dựa trên giá dầu Urals là 74,98 USD/thùng, tăng từ mức 58,63 USD trong năm ngoái. Mức chiết khấu của dầu Urals so với giá dầu Brent đã giảm, bất chấp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga do G7 và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.
Cơ chế giá trần cùng với lệnh cấm vận của EU đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, được đưa ra nhằm làm giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow.