Ngân hàng ACB: Từ hai lần bị rút tiền ồ ạt đến top 3 huy động vốn toàn thị trường
Đây là một hành trình "vô tiền khoáng hậu" trong làng tài chính Việt Nam từ trước tới nay.
“Tổng Giám đốc ACB bỏ trốn”
Hơn 20 năm trước, vào trung tuần tháng 10/2003, nhiều khách hàng đã kéo đến rút tiền dồn dập tại ACB sau khi nghe tin “Tổng Giám đốc ACB bỏ trốn”.
15h30 cùng ngày, ông Phạm Văn Thiệt – CEO ACB thời điểm đó, cùng cố Chủ tịch Trần Mộng Hùng và đại diện NHNN TP.Hồ Chí Minh, đã có mặt trực tiếp tại trụ sở giao dịch chính của ACB nhằm bác bỏ tin đồn thất thiệt này.
Lãnh đạo ngân hàng khẳng định hoạt động của ACB đang diễn ra bình thường, toàn bộ tiền gửi của khách hàng đều được mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của NHNN. Đại diện ACB còn công bố trao giải thưởng 200 triệu đồng cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt.
Ông Phạm Văn Thiệt, trực tiếp trả lời khách hàng tại trụ sở vào chiều 14/10/2003. Ảnh: Báo Tuổi trẻ. |
Trước đó, từ tháng 6/2003, thị trường tài chính và dư luận xôn xao trước thông tin một lãnh đạo cao cấp của ACB bỏ trốn ra nước ngoài. Tin đồn xuất hiện trong bối cảnh ngành ngân hàng thời điểm này tồn tại nhiều bất ổn, cùng với những lo ngại về sự minh bạch tài chính của một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Tuy nhiên, "vàng thật không sợ lửa". Hiện tượng rút tiền ồ ạt chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và nhanh chóng được kiểm soát. Đến cuối năm 2003, số dư huy động của ACB vẫn tăng trưởng 13,6% so với năm trước, đạt 9.797 tỷ đồng.
Tin đồn đã không kéo lùi được đà tăng trưởng kinh doanh của ACB. Năm 2003, ACB ghi nhận lợi nhuận cao nhất hệ thống NHTMCP, đạt 188 tỷ đồng. Quy mô tài sản tăng lên đáng kể, vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Nguồn số liệu: ACB |
Khủng hoảng kép
Hơn một thập kỷ sau những tin đồn thất thiệt, năm 2012, khủng hoảng thực sự đã ập đến với ACB. Không những thế, đây còn là một cuộc khủng hoảng “kép”.
Tháng 8/2012, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ACB vướng vào các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Trong đó, có ông Nguyễn Đức Kiên, người thường được gọi là “bầu Kiên”.
Vụ việc nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong thời gian dài, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của sự cố mà còn bởi ở thời điểm này, cả ACB lẫn bầu Kiên đều là những cái tên nổi bật.
Nếu ông Nguyễn Đức Kiên được biết đến với những phát ngôn táo bạo và thẳng thắn trong lĩnh vực bóng đá thì ACB đang ở giai đoạn đỉnh cao nhờ “vàng”. BCTC của nhà băng chỉ ra, trong giai đoạn 2008-2010, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận gần 1.300 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng.
Tuy nhiên, sức mạnh từ vàng lại trở thành “gánh nặng” khi ACB phải đối mặt với khủng hoảng kép: sự cố pháp lý và áp lực đóng trạng thái vàng cùng xảy ra vào năm 2012.
Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt quy định mới, yêu cầu chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, đồng thời siết chặt quản lý sản xuất và lưu thông vàng miếng. Quy định này buộc các tổ chức tài chính, bao gồm ACB, phải hoàn thành đóng trạng thái vàng trong thời gian rất ngắn.
Ban đầu, thời hạn được ấn định trước ngày 25/12/2012, sau đó được gia hạn đến ngày 30/6/2013. Dù được kéo dài thời gian, đây vẫn là một thử thách lớn đối với ACB khi phải thực hiện các điều chỉnh chiến lược để tuân thủ quy định và đảm bảo an toàn tài chính.
Phải nhấn mạnh thêm rằng, vào đầu năm 2012, bảng cân đối kế toán của ACB vẫn đang có số dư 5.980 tỷ đồng từ vàng và 13.179 tỷ đồng các khoản phải thu từ đối tác nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng tài khoản.
Hàng loạt khó khăn bủa vây khiến hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB trong năm 2012 lỗ kỷ lục 1.864 tỷ đồng, kéo theo tổng thu nhập thuần của ngân hàng sụt giảm 22% so với năm trước đó.
Đây cũng là năm ngân hàng ghi nhận tỷ lệ ROE thấp nhất và nợ xấu cao nhất trong lịch sử.
Nguồn số liệu: ACB |
Dưới sự lãnh đạo của HĐQT và Ban điều hành, ACB nỗ lực lành mạnh hóa cơ cấu bảng tổng kết tài sản thông qua việc xử lý các tồn đọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng theo chủ trương của NHNN.
Sang đến năm 2013, lỗ thuần từ kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB giảm mạnh từ mức 1.864 tỷ đồng của năm 2012 về còn 77,6 tỷ đồng. Đồng thời, số dư “Vàng” trên bảng cân đối cuối năm giảm mạnh từ 4.327 tỷ đồng xuống còn 43,1 tỷ đồng.
Có thể nói, đến cuối năm 2013, những “gánh nặng" liên quan tới vàng đã trút bỏ được đáng kể trên bảng cân đối của ACB.
Mặc dù kết quả hoạt động không như kỳ vọng nhưng trong năm này, bước đầu ngân hàng lấy lại được lòng tin của khách hàng, thông qua mức tăng trưởng khá ở tiền gửi khách hàng và cho vay, lần lượt là 10,3% và 4,3%.
Bên cạnh đó, nhà băng cũng giữ được tỷ lệ an toàn vốn trên mức 3% theo quy định của NHNN, hoàn thành việc tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015.
Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đến năm 2014, ACB bắt đầu trở lại trên đường đua, với việc xử lý gọn gàng những tàn dư “vàng”, đưa bảng cân đối về trạng thái bền vững, đồng thời hạ tỷ lệ nợ xấu về 2,17%. Lợi nhuận năm 2014 đạt 1.215 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm trước đó.
Đây cũng là năm hình ảnh mặt trời chiếu qua tán lá được chọn làm đại diện cho báo cáo thường niên của ngân hàng. Ánh sáng rực rỡ, cùng hình trái tim kết từ các phiến lá bao quanh biểu tượng ACB và cam kết "bồi đắp giá trị" mang tới một thông điệp về khởi đầu mới với niềm tin, sức mạnh và năng lượng tích cực.
Chủ tịch Trần Hùng Huy. Ảnh: ACB |
Sức mạnh nào giúp ACB vượt qua được tin đồn và khủng hoảng?
Khủng hoảng niềm tin trong ngành tài chính luôn được coi là một vấn đề nghiêm trọng, với khả năng gây ra hệ quả lan rộng, làm suy yếu không chỉ hệ thống tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng niềm tin thường xuất phát từ các vụ bê bối tài chính và sai phạm nghiêm trọng. Điển hình là các vụ gian lận kế toán hay lạm dụng quyền lực, như trường hợp của Enron, Lehman Brothers trên thế giới hoặc một số ngân hàng tại Việt Nam, khiến lòng tin của nhà đầu tư và công chúng bị lung lay.
Quản trị yếu kém và khủng hoảng thanh khoản cũng được coi là tác nhân chính dẫn đến sự mất niềm tin trong ngành tài chính.
Tuy nhiên, tại ACB, không có các yếu tố như quản trị yếu kém hay thanh khoản. Đây là một trong số nguyên nhân quan trọng giúp nhà băng này vượt qua khủng hoảng trong quá khứ.
Bên cạnh đó, khả năng ứng phó và xử lý khủng hoảng của ngân hàng được xây dựng từ nền tảng quy trình hệ thống chặt chẽ, sự phối hợp chặt chẽ và đồng thuận của bộ máy lãnh đạo từ cấp cao đến cấp cơ sở, cùng với khả năng truyền thông nội bộ và đối ngoại hiệu quả, minh bạch.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu, giúp ACB vượt qua khủng hoảng là sự gắn bó và tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên.
Vào đầu năm 2012, ngân hàng có 8.228 nhân viên. Đến cuối năm, sau khi xảy ra sự cố pháp lý, con số này tăng 20,4%, đạt 9.906 người. Đồng thời, mức thu nhập bình quân vẫn được duy trì ổn định ở mức 182 triệu đồng/người/năm.
Tổng hợp báo cáo ACB |
Số lượng nhân sự tại ACB gia tăng trong năm 2012 có một phần nguyên nhân do ngân hàng mở rộng quy mô. Ngay cả khi phải đối mặt với sự cố pháp lý và cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn hệ thống, từ tháng 8-12 năm này, vẫn có 12 phòng giao dịch ACB mới được khai trương.
Tuy nhiên, con số nhân sự vào cuối năm 2012 cũng cho thấy, đã không xảy ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong nội bộ ACB.
Ngay trong 3 ngày sau khi những thông tin tiêu cực đầu tiên về lãnh đạo xuất hiện, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất 5,6 tỷ USD. Cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng bị rút khỏi ACB. Nhưng trái ngược với sự hỗn loạn bên ngoài, đội ngũ nhân viên ACB vẫn giữ được sự bình tĩnh.
"Tại chi nhánh nơi tôi làm việc, không ai nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Mọi người đều có lòng tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời. Phần lớn niềm tin này đến từ việc hiểu rõ hoạt động kinh doanh của ngân hàng và truyền thông nội bộ từ Ban Lãnh đạo”, một cựu ACBer kể lại.
Tuy nhiên, sang năm 2013, để giảm bớt gánh nặng chi phí lên hệ thống đang trong giai đoạn tái cơ cấu, ACB đã cắt giảm chi phí nhân sự. Theo đó, thu nhập bình quân người lao động giảm từ 182 triệu đồng xuống còn 169 triệu đồng/người, trên cơ sở giảm giờ làm việc từ 44 tiếng/tuần còn 40 tiếng/tuần.
Cũng theo báo cáo, lượng nhân sự của nhà băng trong năm 2013 giảm 11%, hơn 1.100 người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo cáo thường niên ACB 2023 |
Vượt qua sóng gió, hiện nay, ACB là một trong những ngân hàng tầm trung trong hệ thống với tổng tài sản đạt 777.393 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2024.
Năm ngoái, lợi nhuận hợp nhất của ACB vượt mốc 20.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra và đứng trong nhóm các ngân hàng có hệ số sinh lời tốt nhất, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) gần 25%.
Về huy động vốn, ACB xếp thứ 6 trên toàn thị trường và nằm trong top 3 của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Riêng lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng giữ vị trí thứ 2 trong nhóm này.
Về tín dụng, ACB đạt thứ hạng 7 trên thị trường chung và thứ 4 trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Trong mảng bán lẻ, ACB vươn lên dẫn đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Điều đáng nói là trên thị trường tài chính, hiếm có ngân hàng nào vượt qua được hai biến cố lớn, những thách thức tưởng chừng làm chao đảo hệ thống, nhưng đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại niềm tin từ khách hàng.
Cần phải làm rõ, trọng tâm thị trường của ACB từ khi thành lập tới nay luôn được đặt tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước.
Nhìn vào số liệu năm gần nhất, tỷ trọng tiền gửi khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh lên tới 63%, ở mức rất cao so với thành phố Hà Nội chỉ chiếm 13% và các vùng khác cao nhất chỉ lên tới 7%. Tương tự, tỷ lệ này vào các năm trước cũng dao động trên 60%.
Nguồn: Báo cáo ACB 2023 |
Với số dư huy động cuối năm ngoái của ACB theo công bố đạt 482.703 tỷ đồng, ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi từ khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 304.103 tỷ đồng. So sánh với tổng lượng tiền gửi của cư dân và tổ chức kinh tế trên địa bàn (3,452 triệu tỷ đồng), có thể thấy, trong năm 2023, ACB nắm giữ khoảng 8,8% thị phần huy động vốn tại khu vực này.
Không chỉ huy động, tỷ trọng cho vay của ACB tại đây cũng chiếm đa số trong tổng dư nợ và mang lại trên dưới 50% doanh thu toàn hàng trong các năm.
Thương hiệu của ACB tại khu vực miền Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng trong quá khứ nhờ vào những điều sau:
Một là với lợi thế hội sở chính cùng hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng tại khu vực miền Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, ACB sẵn sàng trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng tại đây.
Hai là có đội ngũ sáng lập có chuyên môn sâu trong lĩnh vực ngân hàng nên ACB sở hữu nền tảng quản trị vững chắc, quy trình hoạt động chặt chẽ và luôn đề cao chất lượng phục vụ khách hàng, tạo dựng niềm tin với khách hàng trên thị trường.
Ba là lợi thế từ kinh doanh ngoại hối và vàng. Trước đây, ACB từng dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối và vàng tại miền Nam. Hoạt động này không chỉ mang lại lượng lớn khách hàng mà còn tạo dựng danh tiếng bền vững, giúp ngân hàng duy trì được nhiều khách hàng trung thành, ngay cả khi lĩnh vực này không còn là trọng tâm chiến lược.
Bốn là từ ngày đầu thành lập, ACB đã tập trung phục vụ nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – những đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu tài chính tại TP. Hồ Chí Minh.
>> Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB