Ngân hàng đã xử lý hơn 128.000 tỷ đồng nợ xấu chỉ trong 7 tháng đầu năm
Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo cáo của NHNN, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 1.695.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, TCTD tự xử lý ở mức cao 1.271.000 tỷ đồng (chiếm 75% trong tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 424.000 tỷ đồng, chiếm 25% trong tổng nợ xấu được xử lý.
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 425,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56% (cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn 59 của hệ thống các TCTD là 6,16% so với tổng dư nợ.
Theo nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (không bao gồm các NHTM yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
NHNN nhận định thời gian tới, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD có thể tiếp tục chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của các TCTD.
Thanh tra NHNN chỉ ra nhiều tồn tại trong hoạt động cấp tín dụng của Vietcombank Phú Yên
15/51 trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc