Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đề xuất nới room tín dụng, tuy nhiên, phía ngân hàng lại có đánh giá khác với họ.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2/2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đề xuất nới room tín dụng để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng hơn, góp phần kiềm chế lãi suất, giảm giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng..
Sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, hiệp hội bất động sản, hiệp hội ngân hàng… đã bàn về tín dụng cho bất động sản.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2022, tín dụng vào bất động sản chiếm khoảng 21,2% - mức cao nhất trong 5 năm qua, của tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tín dụng vào bất động sản tăng nhanh hơn mức tăng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành kinh tế.
Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp đề nghị nới room tín dụng thì thực tế các ngân hàng vẫn chưa hết room. Đến cuối năm 2022, khi gần hết room, NHNN đã quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức tăng trưởng, nhưng thực tế hệ thống cũng không dùng hết mức tăng thêm này.
“Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng thực tế của nền kinh tế so với dự báo NHNN đưa ra đầu năm cũng không có nhiều sai số và nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đủ”, ông Tú nói.
"Nếu nhìn từ những con số thống kê, tín dụng cho bất động sản có phải bị siết, nút thắt về vốn có thực sự chỉ do ngân hàng không?", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đặt câu hỏi.
Các ngân hàng luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản
Tại Hội nghị, đại diện các ngân hàng lại có đánh giá khác với doanh nghiệp bất động sản.
Tính đến ngày 31/12/2022, tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%; dư nợ bất động sản tại Vietcombank chiếm trên 20%, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp bất động sản và khách hàng cá nhân mua bất động sản.
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ tại Hội nghị Tín dụng Bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay 8/2.
“Điều này cho thấy Vietcombank vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản và đây là lĩnh vực không bị hạn chế”, ông Tùng nói.
Không chỉ riêng Vietcombank, những nhà băng trong top đầu thị trường đều khẳng định, bất động sản không thiếu room tín dụng.
"Chúng tôi không thiếu room, lãi suất cũng luôn có những chương trình ở mức chấp nhận được", ông Lưu Trung Thái, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) khẳng định với các doanh nghiệp bất động sản.
Sự lệch pha và khó khăn thanh khoản, theo ông, là do cấu trúc của thị trường bất động sản "đang có vấn đề" và cũng do chính từ phía các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành VietinBank chia sẻ: “Chúng ta (doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng-PV) đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm. Chúng tôi mong muốn hành động cùng các doanh nghiệp bất động sản để cùng vượt qua khó khăn hiện nay”.
Cũng chia sẻ thông tin về hoạt động cho vay của ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV nhấn mạnh, ngân hàng vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ bất động sản cá nhân.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đại diện Techcombank, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc cho biết, năm 2022, Ngân hàng đã huy động vốn từ thị trường quốc tế để hỗ trợ nhu cầu vốn trong nước, dư nợ huy động lên đến 1,8 tỷ USD.
Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản, cho vay cá nhân mua nhà của Techcombank năm vừa qua là 190 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 46 nghìn khách hàng mua nhà, dư nợ bình quân mỗi khách hàng là hơn 4 tỷ đồng. Gần 70% khách hàng cá nhân đã nhận bàn giao nhà để sửa chữa hoặc đi vào sử dụng.