Ngành có mức lương gần 100 triệu/tháng sa thải nhân viên, ông Hoàng Nam Tiến nhận định 'đến năm 2030 sẽ là nghề sẽ mất việc đầu tiên và mất việc nhiều nhất'
Dù mức lương vẫn rất cao, nhưng tỉ lệ sa thải trong ngành tăng và nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới đang có xu hướng giảm.
Trong báo cáo dài 124 trang mới đây, Citigroup đã cảnh báo rằng nhân viên ngành tài chính có nguy cơ mất việc cao hơn so với các lĩnh vực khác. Báo cáo chỉ ra rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành tài chính, gây ra sự thay đổi sâu sắc và "hủy diệt" thị trường lao động, từ đó tạo ra nhiều "kẻ thua cuộc".
Dựa trên dữ liệu từ Accenture và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), báo cáo của Citigroup cho thấy 67% công việc trong ngành ngân hàng có nguy cơ bị thay thế bởi AI, tỷ lệ này vượt trội so với bất kỳ ngành nghề nào khác được nghiên cứu về tác động của AI đến thị trường lao động.
Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM cũng ghi nhận rằng trong tháng 6, trung tâm đã tiếp nhận 120 hồ sơ tìm việc của lao động trong ngành tài chính, nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ dừng lại ở 34 vị trí.
Theo sau ngành tài chính là các lĩnh vực bảo hiểm, phát triển phần mềm và thị trường vốn. Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy biến động đối với ngành bảo hiểm, tuy nhiên mức lương trong ngành này vẫn duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân trong ngành bảo hiểm thường đạt vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Chẳng hạn, trong năm 2023, công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam đã chi hơn 93,5 tỷ đồng cho lương và các chi phí liên quan đến người lao động. Bình quân, mỗi nhân viên nhận được hơn 1,4 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 117 triệu đồng/tháng.
Tại công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, mức lương trung bình của mỗi nhân viên là 913 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 76 triệu đồng/tháng. Còn tại công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam, tổng chi phí cho lương của 121 nhân viên trong năm 2023 là hơn 96,1 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi nhân viên nhận được hơn 794 triệu đồng/năm, tương đương hơn 66 triệu đồng/tháng.
Mặc dù chi phí lương trong ngành vẫn duy trì ở mức cao, nhưng tình trạng khó khăn được thể hiện rõ qua việc nhiều doanh nghiệp giảm số lượng tuyển dụng nhân sự.
Theo báo cáo thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của Adecco Việt Nam, ngành tài chính và ngân hàng nói chung đang đối mặt với giai đoạn giảm tuyển dụng do ảnh hưởng từ các biến động thị trường; riêng lĩnh vực bảo hiểm đang chứng kiến tình trạng sa thải và cắt giảm nhân sự. Adecco ghi nhận tuyển dụng trong nhóm ngành dịch vụ tài chính - bảo hiểm đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng và các công ty bảo hiểm hiện đang tập trung tái cơ cấu và đẩy mạnh chuyển đổi số. Do đó, các vị trí liên quan đến công nghệ, bán hàng và kỹ thuật vẫn giữ mức tuyển dụng cao, trong khi số lượng các vị trí khối vận hành như thẩm định, kế toán và quản lý vốn lại giảm đáng kể. Adecco nhận định: "Sự cắt giảm mạnh ở khối vận hành truyền thống đã làm gia tăng số lượng nhân sự tìm kiếm việc làm. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đặc biệt bị ảnh hưởng, với nhiều vị trí vận hành bị cắt giảm nhiều hơn so với năm 2023. Cơ hội việc làm khan hiếm, buộc ứng viên phải tìm kiếm các vị trí trái ngành, tạo ra áp lực về mức lương."
Cùng bàn về vấn đề này, trong một buổi talkshow "Gen Z - Job chuẩn từng mili" vào tháng 7/2023 với hàng trăm sinh viên FPT Polytechnic, ông Hoàng Nam Tiến (SN 1969, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT, hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT - đã có phần chia sẻ quan điểm của mình về các ngành nghề có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai.
Cụ thể, ông Tiến đã chia sẻ bằng chính câu chuyện của FPT rằng: “5 năm trước, khi quy hoạch chương trình đào tạo, FPT Polytechnic đã loại bỏ ngành Tài chính - Kế toán. Đó là một quyết định gây tranh cãi khi ấy”, ông Hoàng Nam Tiến nhớ lại. “Rất nhiều người hỏi tại sao FPT không đào tạo Tài chính - Kế toán. Ngày hôm nay chính là câu trả lời. Năm 2030, những người học kế toán và tài chính được dự báo là những người bị mất việc nhiều nhất”, ông Tiến nói.
Nhiều nhân viên ngành này không muốn bị sa thải phải chuyển sang làm việc ở vị trí khác hoặc chấp nhận mức lương thấp hơn. Các nhân sự cấp cao trong diện bị cắt giảm lại có xu hướng chọn về hưu sớm.
Theo khuyến nghị của Adecco Việt Nam: "Các ứng viên nên chủ động nâng cao kỹ năng và kiến thức về công nghệ, số hóa, chuẩn bị sẵn sàng cho các vị trí mới trong ngành. Việc linh hoạt chấp nhận những công việc trái ngành có thể là bước đệm quan trọng để tiếp tục phát triển sự nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi."