Ngành dệt may biến động trái chiều, kịch bản nào cho xuất khẩu năm 2022?

19-12-2021 14:49|Thanh Huyền

Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với ngành dệt may Việt Nam. Miền Bắc thắng lớn, miền Nam lao đao.

Đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp dệt may phía Nam không dám nhận

Các doanh nghiệp dệt may phía Nam từ chối "chốt đơn" dù đơn hàng nhiều. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, do thiếu lao động và lo chi phí vận chuyển "đội" lên nên doanh nghiệp từ chối.

Thực trạng này được một số doanh nghiệp dệt may, nhất là ở khu vực phía Nam, nêu tại hội thảo phát triển bền vững ngành dệt may trong bối cảnh COVID-19, ngày 17/12.

Quay trở lại sản xuất hơn hai tháng nhưng thiếu lao động, chi phí tăng cao, cộng với các biện pháp phòng, chống dịch khiến phải đầu tư nhiều hơn... vẫn là những mối lo chính của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chiều 17/12, ông Bùi Văn Tiến - Giám đốc CTCP may Việt Tiến đánh giá: "Năm nay miền Bắc thắng lớn, miền Trung khá, miền Nam hoàn toàn thất bại. Chỉ bốn tháng, dịch COVID-19 đánh rớt hoàn toàn các chỉ tiêu phát triển của chúng tôi nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác. Công ty chúng tôi đang rải ở 8 tỉnh, thành phố thì ảnh hưởng hết 100%, nhiều đơn vị phải tái cấu trúc, phá sản".

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công kể, nhà máy của Thành Công ở miền Tây quy định khi nhân công xét nghiệm test nhanh dương tính thì phải ở lại công ty, đến khi có test PCR khẳng định mới được đưa đi cách ly tập trung. Khoảng thời gian chờ đợi kết quả xác nhận mất 3 - 5 ngày, nên doanh nghiệp phải xây dựng khu lưu trú tạm thời để chăm sóc cho người lao động. Trong bối cảnh số lượng F0 đang tăng dần, đây là vấn đề khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí logistics cũng tăng rất cao. Trước đây mua nguyên phụ liệu nhập Trung Quốc mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng) thì nay chuyển sang bán theo FOB (giao hàng miễn trách nhiệm của người bán). Với mức chi phí "tăng bằng lần", doanh nghiệp hoàn toàn phải chịu chi phí này, khiến giảm lợi nhuận.

Thực tế, đơn hàng dệt may đã quay trở lại cùng sự phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới nhưng doanh nghiệp không dám nhận nhiều vì lo không chủ động được sản xuất. Trường hợp không đảm bảo tiến độ sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không, chi phí sẽ rất lớn

Đại diện một công ty may ở Bắc Giang than thở, nhãn hàng đòi giao hàng gấp để chuẩn bị cho mùa Noel, đơn giá bị khách hàng đòi nhà máy giảm 5 - 10% do sức mua yếu: "Mình không phải chủ cuộc chơi nên đành chịu".

Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch nhưng điều này không tác động tới chiến lược của các nhà mua hàng trong thời gian tới. Cho tới quý II năm sau, Việt Nam vẫn sẽ là nước sản xuất, cung ứng đơn hàng quan trọng của họ.

Thực tế, các nhà mua hàng có phần e dè hơn trước, khi 50% nhà mua hàng cho biết họ sẽ tăng mua, nhưng 46% lại nói sẽ "xem xét tình hình". Sự dè dặt của các nhà mua hàng khiến đơn hàng vì thế nhỏ đi, giá không tăng trong khi chi phí tăng cao, nhất là chi phí chống dịch khó đưa vào đơn hàng.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước cũng e dè khi nhận đơn hàng trong bối cảnh chi phí tăng cao và thiếu lao động. Doanh nghiệp nào chủ động và kiên trì đối thoại với nhà mua hàng thì giảm được thiệt hại về đơn hàng.

Bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc ERC cho biết, 66.7% nhà mua hàng chấp nhận giao hàng chậm nhưng chỉ 16.7% đồng ý chia sẻ chi phí vận chuyển hàng không với nhà cung ứng quan hệ lâu dài. Các nhà máy làm trung gian rất khó đối thoại với nhà mua hàng để giảm thiểu thiệt hại. Chỉ 1/5 nhà mua hàng chấp nhận đưa một phần chi phí chống dịch vào đơn giá.

Nhưng kết quả khảo sát của ERC cho thấy tính chủ động trong đàm phán, đối thoại của doanh nghiệp trong nước với đối tác xuất khẩu chưa cao. Chỉ một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nói họ chủ động đối thoại với nhà mua hàng; 63% nói "thỉnh thoảng đối thoại", còn 4% thì không bao giờ làm việc này.

Cũng theo bà Chi, vấn đề phục hồi lao động đang là trở ngại cho phục hồi chuỗi cung ứng. Khảo sát của ERC thực hiện vào tháng 11 cho thấy, tỷ lệ lao động quay trở lại sản xuất sau dịch với các nhà máy ở các tỉnh phía Nam là 75 - 80%. Nhưng sau một tháng tới 66% người lao động không nhận được lương từ doanh nghiệp; 63.8% được thông báo về lương ngừng việc.

Với những doanh nghiệp có trả lương và hỗ trợ người lao động trong giãn cách đã giúp phục hồi trên 80% người lao động trong hơn một tháng; còn với doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không hỗ trợ, tỷ lệ người lao động ngừng việc lên tới 25 - 50%.

Theo bà Chi, các quy định phòng, chống dịch không phải là trở ngại lớn nhất khiến nhà mua hàng băn khoăn về việc đặt hàng, mà việc công ty có duy trì đối thoại với người lao động để duy trì lực lượng đảm bảo sản xuất hay không mới là vấn đề quan trọng.

"Doanh nghiệp cần chú trọng đến đối thoại với người lao động, hỗ trợ khi khó khăn để nhanh chóng phục hồi lao động, tìm cách sống chung với dịch. Đồng thời, cần xem xét lại các cản trở hoạt động doanh nghiệp trong duy trì sản xuất, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, giải quyết những áp lực kinh tế cho các nhà máy và công nhân bị F0", bà khuyến cáo.

det-may(1).jpg
Doanh nghiệp dệt may phía Nam không dám nhận nhiều đơn hàng

Kịch bản xuất khẩu dệt may 2022

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhận xét năm 2021 là năm đầy thách thức với ngành sản xuất dệt may khi đứng trước sức ép về chi phí gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thâm hụt lao động và áp lực của đại dịch.

Ông Giang cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 12% so với 2020 và tăng 0.3% so với 2019. "Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại", ông nhận xét.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas, cho rằng tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ "Zero COVID-19" sang vừa "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Hiệp hội này đưa ra ba kịch bản xuất khẩu dệt may trong năm sau. Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I, kim ngạch xuất khẩu 42.5 – 43.5 tỷ USD.

Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40 - 41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào quý II.

Kịch bản 3, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 - 39 tỷ USD.

Trong khi đó, với tính toán căn cơ hơn, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may năm 2022 dao động 36 - 40 tỷ USD tương ứng với các kịch bản thấp, trung bình và cao. Tính toán này của ông Trường dựa trên tỷ lệ lao động trở lại làm việc 60 - 80% từ quý IV/2021 đến quý I năm sau.

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, muốn đạt được những kịch bản này thì vaccine vẫn là "chìa khoá" để ngành sản xuất dệt may phục hồi và tăng trưởng trong năm sau.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Hiệp hội này kiến nghị tiếp tục triển khai chiến lược vaccine là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện "bình thường mới". "Cần đưa quy định tiêm đủ 2 liều là điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêm liều thứ 3 cho người lao động", Phó chủ tịch Vitas kiến nghị

Chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, theo ông Cẩm, nên mở rộng với điều kiện dễ tiếp cận hơn và thời gian áp dụng trong 2 - 3 năm.

Chính phủ cũng cần sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035, để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng nguyên tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng công nghệ vào sản xuất..

"Dệt may rất cần một chiến lược quy hoạch tổng thể để doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của mình", ông nêu.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM, lưu ý sự thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 với ngành dệt may.

Theo ông, trong dịch bệnh, thương mại nội vùng chịu ít tác động hơn thương mại đa vùng, nên nhiều tập đoàn toàn cầu đang tập trung vào số hoá và tính dẻo dai, bền vững của chuỗi cung ứng. Theo số liệu, 93% có kế hoạch tăng tính dẻo dai trong suốt chuỗi cung ứng; 90% có kế hoạch tăng chuyên gia số nội bộ để quản lý chuỗi cung ứng và 54% kỳ vọng thay đổi hoạt động quản lý chuỗi cung ứng sau dịch.

Cùng đó là xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và dữ liệu tới đây sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. "COVID-19 làm cho những lực cản chuyển đổi số được vượt qua và chuyển đổi số là điều bắt buộc phải làm nếu muốn tồn tại, phát triển chứ không còn là xu hướng như trước", ông nêu. Xu hướng này, ông Tự Anh nói, doanh nghiệp dệt may cần nắm bắt nếu muốn "đi trên con đường bền vững".

Đi cùng đó là tăng tốc thương mại, dịch vụ điện tử. Hơn 2.5 năm qua tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng gấp đôi, nên nếu doanh nghiệp dệt may tận dụng được điều này thì sẽ tăng trưởng, ngược lại sẽ tụt lại phía sau.

Chật vật vì tỷ giá

Khởi đầu tích cực cho ngành dệt may, một cổ phiếu được CTCK ‘chọn mặt gửi vàng’

Hơn 37 tỷ USD vốn FDI chảy vào ngành dệt may: Tỉnh nào chiếm 'ngôi vương'?

Bài thuộc chủ đề May mặc, thời trang
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-det-may-bien-dong-trai-chieu-kich-ban-nao-cho-xuat-khau-nam-2022-130502.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngành dệt may biến động trái chiều, kịch bản nào cho xuất khẩu năm 2022?
POWERED BY ONECMS & INTECH