Ngành học ở Việt Nam 4 năm liền lọt top thế giới: Điểm chuẩn cực ‘dễ thở’, thu nhập vượt ngưỡng 46 triệu/ngày
Ngành này hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Liên tục lọt top chương trình đào tạo hàng đầu thế giới
Theo bảng xếp hạng QS World University Rankings by Subject, ngành Kỹ thuật dầu khí tại Việt Nam liên tục khẳng định vị thế trong top quốc tế suốt bốn năm liền. Thành tích này là minh chứng cho sự đầu tư nghiêm túc từ các cơ sở đào tạo, cả về chương trình giảng dạy lẫn đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao.

Trong bối cảnh năng lượng ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành dầu khí đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn trên bình diện quốc tế. Việt Nam hiện sở hữu trữ lượng dầu khí đáng kể tại khu vực thềm lục địa phía Nam, tạo lợi thế cho các hoạt động thăm dò và khai thác.
Tuy nhiên, lực lượng kỹ sư dầu khí chất lượng cao vẫn còn thiếu, đặc biệt là những người đủ năng lực làm việc trong các tập đoàn năng lượng toàn cầu. Thực tế này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành Kỹ thuật dầu khí.
Sinh viên ngành Kỹ thuật dầu khí sẽ được trang bị hệ thống kiến thức bài bản, từ cơ bản đến chuyên sâu trong các lĩnh vực như địa chất dầu khí, khai thác mỏ dầu, khoan và hoàn thiện giếng khoan, vận chuyển và chế biến dầu khí, kỹ thuật khai thác dầu khí biển sâu, an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong ngành...
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội thực hành tại các giàn khoan, nhà máy chế biến và được tham gia các đề tài nghiên cứu cùng giảng viên, qua đó nâng cao kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế và tiếp cận công nghệ hiện đại.

Tại Việt Nam, ngành Kỹ thuật dầu khí đang được đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục uy tín như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Dầu khí Việt Nam và Đại học Công nghiệp Quảng Ninh.
Công tác tuyển sinh thường dựa trên các tổ hợp môn A00, A01, D07, và tại một số trường là tổ hợp B00. Điểm chuẩn ngành này dao động từ 18-25 điểm, tương đương mức trung bình từ 6-8 điểm mỗi môn.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc nhóm, kỹ sư dầu khí cần có thể lực tốt. Do đặc thù công việc diễn ra tại các giàn khoan và mỏ dầu ngoài khơi, sinh viên theo học ngành này cần có đam mê, tinh thần bền bỉ và sức khỏe dẻo dai để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.
Cơ hội việc làm rộng mở với mức lương “khủng”
Theo Joboko.com, tại Việt Nam, mức lương dành cho kỹ sư dầu khí mới ra trường dao động khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Sau 4-5 năm làm việc, con số này có thể tăng lên mức 30-50 triệu đồng/tháng.

Với những chuyên gia có kinh nghiệm cao trong ngành, mức thu nhập có thể được tính theo ngày, dao động từ 12-23 triệu đồng/ngày hoặc lên đến 2.000 USD/ngày (khoảng hơn 46 triệu đồng/ngày).
Tuy nhiên, dù ngành dầu khí có mức thu nhập ấn tượng, không phải vị trí nào cũng được hưởng chế độ đãi ngộ như kỹ sư hay chuyên gia. Chẳng hạn, nhân viên giàn khoan hoặc kỹ thuật viên thường nhận mức lương trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng; với kinh nghiệm dày dạn, thu nhập có thể đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dầu khí, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng như: Kỹ sư dầu khí; Kỹ sư khoan; Kỹ sư mỏ dầu; Kỹ sư chất lượng; Kỹ sư môi trường...