Ngành y khoa Hàn Quốc tiếp tục rối loạn
Hơn 1.600 bác sĩ thực tập tại các bệnh viện lớn của Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình để phản đối quyết định của chính phủ tăng số lượng tuyển sinh vào trường y.
Chính phủ Hàn Quốc hiện muốn tăng số lượng tuyển sinh vào trường y lên 2.000 vị trí từ năm học 2025, so với con số hàng năm hiện tại là 3.058, trước khi tăng thêm 10.000 vị trí vào năm 2035.
Để phản đối quyết định này, khoảng 6.400 trong số 13.000 bác sĩ và thực tập sinh tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc đã nộp đơn từ chức và khoảng 1.630 người trong số họ đã rời đi trước 11 giờ đêm thứ Hai, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết.
Phát biểu trong một cuộc họp nội các, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố việc bổ sung thêm số lượng sinh viên cho các trường y là chìa khóa để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ở vùng sâu vùng xa và phát triển các công nghệ tiên tiến.
“Đây là một nhiệm vụ của thời đại không thể trì hoãn được nữa”, Tổng thống Yoon khẳng định.
Làn sóng biểu tình diễn ra bất chấp mệnh lệnh của chính phủ yêu cầu các bác sĩ tiếp tục làm việc và các bệnh viện lớn cho biết họ đang thay đổi lịch phẫu thuật và lịch hẹn với bệnh nhân.
Ông Park Ki-joo, 65 tuổi, cho biết cuộc đình công buộc ông phải ở lại qua đêm ở Seoul cùng cô con gái 9 tuổi sắp phẫu thuật cổ tại một bệnh viện lớn.
“Tôi không sống ở đây nhưng giờ phải tìm một nơi để ở”, ông Park, một cư dân ở thị trấn Cherwon (tỉnh Gangwon), cho biết. "Nhưng điều tôi lo lắng hơn là con gái sẽ mất nhiều thời gian để được điều trị".
Thủ tướng Han Duck-soo, người đã kêu gọi các bác sĩ không lấy mạng sống và sức khỏe của người dân làm con tin, đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp như sử dụng phương án điều trị từ xa, tăng ca tại các bệnh viện công và mở các phòng khám quân đội.
Một cuộc thăm dò của Gallup Korea cho thấy vào tuần trước, khoảng 76% người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa, trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng bác sĩ nhi khoa, đơn vị cấp cứu và phòng khám bên ngoài khu vực Seoul.
Trong năm 2022, cứ 1.000 dân Hàn Quốc chỉ có 2,6 bác sĩ, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên, giới chức y tế cho biết hiện đã có đủ bác sĩ và việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh có thể dẫn đến các thủ tục y tế không cần thiết và làm suy yếu nguồn tài chính của chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.
Các nhân viên y tế cũng chỉ trích chính phủ vì đã không tham khảo ý kiến và "làm xấu mặt" ngành y khoa.