Ngày 23/6, Quốc hội họp về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

23-06-2023 17:19|NGUYỄN VIỆT

Ngày 23/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trước đó, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) quan tâm đến việc sử dụng cụm từ “hộ gia đình” trong dự thảo Luật. Tại Điều 1 có nêu “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ, chính sách; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự”.

le-xuan-than.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Khánh Hòa).

Tương ứng như vậy, Điều 24 cũng quy về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đại biểu cho biết, khi xây dựng Pháp lệnh năm 1994, hộ gia đình vẫn còn là một chủ thể độc lập tham gia tất cả các mối quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ dân sự.

Nhưng từ năm 2015, hộ gia đình không còn là một chủ thể được xác nhận đủ tư cách pháp nhân độc lập, cho nên không còn là một chủ thể để đưa vào trong luật. Do đó, dự thảo Luật chỉ cần quy định tổ chức, cá nhân, không cần có chủ thể hộ gia đình.

Về áp dụng pháp luật tại Điều 7, đại biểu Lê Xuân Thân chia sẻ, gần đây có xu hướng thêm một Điều là áp dụng pháp luật. Trong khi đó, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã dự liệu trước về việc áp dụng đối với văn bản nào được ban hành trước và ban hành sau.

Nếu cùng một cơ quan, văn bản ban hành sau có giá trị áp dụng; nếu khác cơ quan, cơ quan nào có thẩm quyền cao hơn thì giá trị pháp lý văn bản của cơ quan đó cao hơn. Đây là nguyên tắc chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đại biểu cho rằng không cần quy định vấn đề áp dụng trong dự thảo Luật.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 19/5/1994.

ieu-huynh-sang.jpg
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước).

Dự thảo cũng luật hóa những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm, còn phù hợp của các văn bản dưới luật như Nghị định số 04/CP ngày 16/01/1995 của Chính phủ; Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006 của Chính phủ; Nghị định số 30/2011/NĐ-CP ngày 06/5/2011 của Chính phủ và Thông tư số 175/2013/TT-BQP ngày 05/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quan tâm tới quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về các công trình quốc phòng, khu quân sự; nghiên cứu lại cách phân loại tài sản công để phù hợp với Điều 64 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời đề nghị rà soát lại Điều 12 để đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại của Luật Xây dựng về việc phá dỡ công trình trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn cháy hay trong điều kiện bình thường có được phá dỡ công trình hay không?

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu rõ, nêu rõ mục đích của việc phân loại, phân nhóm là để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ; yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ; chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm. Mặt khác, việc phân loại, phân nhóm còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc phân loại, phân nhóm. Tuy nhiên, đại biểu chưa được tiếp cận với Nghị định này, do đó đề nghị, nếu giao Chính phủ quy định thì nên có văn bản dưới luật kèm theo để đại biểu Quốc hội có cơ sở tham gia góp ý.

nguyen-thanh-trung.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Yên Bái).

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cũng đề nghị làm rõ khái niệm về công trình quốc phòng, khu quân sự; làm rõ sự thống nhất với khái niệm tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phân biệt với với công trình phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Liên quan đến quy định tại Điều 11 về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu thống nhất với việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác đối với các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng.

Tại điểm b khoản 3 Điều 11 quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị việc phân cấp thẩm quyền cần quy định rõ trong dự thảo Nghị định của Chính phủ, tránh tình trạng quy định thiếu cụ thể, gây ra việc thực hiện không thống nhất.

Cũng tại Điều này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về quỹ đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng. Theo đó, sau khi chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cũng như để tạo quỹ đất thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu đề nghị bàn giao cho địa phương tổ chức đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật đất đai để tránh lãng phí và phát sinh tiêu cực.

Cảnh sát Hàn Quốc xem xét xin lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk-yeol

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/ngay-23-6-quoc-hoi-hop-ve-luat-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-246261.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngày 23/6, Quốc hội họp về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
    POWERED BY ONECMS & INTECH