'Ngày giải phóng' của ông Trump châm ngòi khủng hoảng, cả thế giới chao đảo
Ngày giải phóng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố được chuyên gia nhận định là ngày lao dốc thị trường. Quyết định áp thuế nhập khẩu cao nhất trong 100 năm trở lại đây châm ngòi cuộc khủng hoảng niềm tin, hàng nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường, Phố Wall rơi vào trạng thái báo động.
Cơn địa chấn bắt đầu từ “Ngày giải phóng” của ông Trump
Sự sụp đổ bắt đầu sau ngày 2/4 - được Tổng thống Donald Trump gọi là “Ngày giải phóng”. Ông Trump áp dụng mức thuế nhập khẩu cao nhất trong vòng một thế kỷ với mức thuế chung 10%, từng đối tác thương mại cụ thể nhận mức cao hơn. Đây là bước đi đột ngột, mở đầu cho chuỗi phản ứng dây chuyền chưa từng có trên thị trường tài chính toàn cầu.
Trong tuần tiếp theo, căng thẳng với Trung Quốc leo thang nhanh chóng. Đến thứ Sáu, Trung Quốc gần như chịu lệnh cấm vận thương mại từ Mỹ với mức thuế quan lên tới 145%. Cú sốc này nhanh chóng lan rộng.
Hơn 5.000 tỷ USD giá trị thị trường bị xóa sổ khỏi chỉ số toàn cầu MSCI (.MIWD00000PUS). Điều đó cho thấy giới đầu tư hoàn toàn không chuẩn bị cho sự mạnh tay trong chính sách thuế quan và tính khó đoán của ông Trump, cùng những quyết định đảo ngược chóng mặt có nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đến vị thế Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Geoff Wilson - nhà quản lý quỹ kỳ cựu tại Australia - chia sẻ: “Niềm tin bị lung lay và chúng ta không biết tác động của việc sụt giảm thị trường là gì. Một số quỹ đầu cơ phá sản và nhiều hậu quả khác thấy rõ trong vài tuần tới”.
Tâm điểm bán tháo ban đầu rơi vào các nhóm có liên hệ trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế gồm ngân hàng, công nghiệp và các công ty như Apple có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Nhưng vào ngày 4/4, khi người dân Trung Quốc vừa kết thúc ngày Tết Thanh minh, Trung Quốc trả đũa bằng mức thuế 34% với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Đòn đánh này đẩy giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu rơi vào vùng điều chỉnh - tức giảm hơn 10% so với mức đỉnh.
![]() |
Phố Wall đỏ lửa, mất hàng nghìn tỷ USD kể từ "ngày giải phóng" của Mỹ. |
Điều đáng lo ngại hơn là ngay cả vàng - vốn là nơi trú ẩn an toàn điển hình - cũng bị bán tháo. Đây là tín hiệu nhà đầu tư đang bị gọi ký quỹ, buộc bán cả tài sản an toàn nhất để bù lỗ.
Wong Kok Hoi - CEO của APS Asset Management tại Singapore - nói: “Rõ ràng là tôi không bao giờ nghĩ rằng thuế quan có thể tăng cao tới 125%. Về cơ bản, hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ dừng lại”.
Phố Wall rối loạn, căng thẳng tột độ
Tại Phố Wall, giới tài chính rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ. Ban đầu, họ kỳ vọng ông Trump nhượng bộ sau phản ứng dữ dội từ thị trường. Nhưng khi ông trở về từ chuyến chơi golf cuối tuần, phóng viên hỏi về thị trường trên chuyên cơ Không Lực Một, ông chỉ trả lời: “Đôi khi bạn phải uống thuốc”, ngầm ám chỉ việc thị trường áp lực.
Lập tức, hợp đồng tương lai Nasdaq 100 sụt hơn 5%, Nikkei rơi thẳng 8%. Chỉ số biến động CBOE (.VIX) - thước đo nỗi sợ hãi - vọt lên trên 60, mức chỉ thấy trong những cơn khủng hoảng lớn như đại dịch COVID-19 năm 2020 hoặc khủng hoảng tài chính 2008. S&P 500 đóng cửa thấp hơn 17% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được bảy tuần trước đó.
Bất ngờ lớn hơn đến từ thị trường trái phiếu. Trong nhiều tháng, người ta kỳ vọng tiền tệ và trái phiếu là tuyến phòng thủ. Nhưng chỉ vài giờ sau khi thuế quan có hiệu lực, đợt bán tháo lớn tấn công trái phiếu kho bạc Mỹ tại thị trường châu Á.
![]() |
Phố Wall ngày càng bất ổn. |
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm - vốn thường chỉ dao động nhẹ - vọt lên 20 điểm cơ bản trong hai giờ, tín hiệu rõ ràng của "bán tháo cưỡng bức" hoặc mất niềm tin vào trái phiếu Mỹ như tài sản an toàn. Martin Whetton - Giám đốc chiến lược thị trường tài chính của Westpac - nói: “Điều đó đáng kinh ngạc và là một lời cảnh báo sâu sắc”.
Các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý phòng thủ. Chỉ số S&P 500 đã có phiên tăng ấn tượng 9,5% vào thứ Tư - mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2008 - nhưng chỉ là phản ứng kỹ thuật trong bối cảnh bất ổn tổng thể.
Dù ông Trump rút lại một số mức thuế nghiêm trọng nhất với nhiều quốc gia, chỉ số S&P 500 vẫn giảm khoảng 13% so với đỉnh ngày 19/2. Các nhà đầu tư bán tháo khi đồng USD giảm mạnh so với các đồng tiền chính, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm tăng lên 4,5%, mức đủ gây hỗn loạn cho thị trường cổ phiếu.
Mark Luschini - chiến lược gia tại Janney Montgomery Scott - cảnh báo: “Thị trường bị mắc kẹt bởi mức độ bất ổn đang rình rập. Do đó, nhà đầu tư phần lớn không muốn đặt cược theo hướng này hay hướng khác”.
Barclays - công ty điều hành dịch vụ toàn thế giới - nhận định: “Đến khi trái phiếu kho bạc ổn định và bắt đầu hoạt động bình thường, các tài sản rủi ro sẽ vẫn gặp khó khăn”.
Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh trong tháng 4, kỳ vọng lạm phát 12 tháng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1981, theo một khảo sát hôm thứ Sáu. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về hiệu ứng dây chuyền của chiến tranh thương mại.
Goldman Sachs, Netflix và Johnson & Johnson nằm trong nhóm các tập đoàn lớn chuẩn bị báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần tới. Đây là bài kiểm tra quan trọng cho lòng tin thị trường. Bryant VanCronkhite - giám đốc danh mục tại Allspring Global Investments - nói: “Tôi đang tìm kiếm các công ty có đủ năng lực và mong muốn đầu tư trong suốt chu kỳ này”.
>> Ông Trump đưa ra lời khuyên cho các nước không hài lòng với thuế nhập khẩu Mỹ
Ông Trump đưa ra lời khuyên cho các nước không hài lòng với thuế nhập khẩu Mỹ
EU yêu cầu Ấn Độ bỏ thuế nhập khẩu ô tô, dự kiến thỏa thuận thương mại hoàn tất vào cuối năm 2025