Dự án có diện tích hơn 28ha, được xây dựng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), trong nửa đầu năm 2023, ban quản lý Khu kinh tế đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy.
Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư là 293 triệu USD (khoảng 6,930 tỷ đồng). Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án được Thủ tướng Chính phủ chứng kiến trong buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc.
Theo đó, dự án có diện tích 28,6ha, được xây dựng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Thời gian hoạt động của dự án đến ngày 26/2/2071.
Dự án dự kiến hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng, triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023. Tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của dự án. Tháng 6/2025 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.
Nhà máy dự kiến có công suất sản xuất 14.635 tấn thanh silicon/năm và 995 triệu đĩa bán dẫn có kích thước 182 milimet/năm. Đây là hai thành phần quan trọng trong việc sản xuất mô - đun pin năng lượng mặt trời.
Trước đó, trong thông tin tuyển dụng đăng tải ngày 31/05/2023 trên Cổng thông tin điện tử Khu kinh tế Đông Nam, Tập đoàn Khoa học năng lượng Runergy Thái Lan - công ty con của Runergy PV Technology (Trung Quốc) thông báo chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất modun pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Hoàng Mai thuộc Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích 40 ha với tổng số nhân sự cần tuyển dụng là 2,500 người.
Người đứng đầu Runergy đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam và muốn mở rộng thị trường, nghiên cứu đầu tư, trong đó Nghệ An là một trong những điểm đến ưu tiên cho các dự án của tập đoàn này.
Vì sao Nghệ An được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và trở thành điểm đến, dừng chân của nhiều nhà đầu tư lớn?
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023 (01/01-20/06/2023), các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành trên cả nước với tổng số vốn đầu tư đạt 13,432 triệu USD. Trong đó dẫn đầu là Hà Nội với tổng vốn đầu tư gần 2.27 tỷ USD (chiếm 16.86%), đứng thứ hai là TPHCM với tổng vốn đầu tư gần 1.4 tỷ USD (chiếm 10.37%).
Các vị trí tiếp theo lần lượt là các tỉnh, thành phố với số vốn đầu tư tương ứng: Bắc Giang (1,252 triệu USD), Bình Dương (1,043 triệu USD), Hải Phòng (904 triệu USD), Bắc Ninh (829 triệu USD), Đồng Nai (776 triệu USD).
Đứng thứ 8 là Nghệ An với tổng vốn đăng ký đầu tư 721 triệu USD), tiếp đó là Bình Phước (558 triệu USD), Long An (525 triệu USD)…
Nếu tính theo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, Nghệ An tiếp tục đứng đầu trong số 14 tỉnh, thành về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký 721 triệu USD.
Số liệu thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/06/2023, tỉnh Nghệ An đã thu hút 8 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 613 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn 5 dự án với số vốn điều chỉnh tăng thêm 108 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 721 triệu USD.
Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 124 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.29 tỷ USD, trong đó có 76 dự án thuộc khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiejp tỉnh Nghệ An với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.96 tỷ USD và 48 dự án ngoài khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 334 triệu USD.
Trên thực tế, Nghệ An chưa thể là đầu tàu Khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng với lợi thế vị trí chiến lược, Nghệ An được các nhà đầu tư dài hạn đánh giá có tiềm năng to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Điển hình như việc sẵn sàng về đất đai và sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như:
Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài.
Sẵn sàng về nguồn nhân lực, với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động. Trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo.
Để giảm rủi ro về thời gian, Nghệ An đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh.
Tập trung rà soát để tăng số lượng các thủ tục hành chính có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.
Có thể nói rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An đang tăng nhanh, quy mô các dự án ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng.
Điều này không chỉ chứng minh tiềm năng, thế mạnh và những cơ hội đầu tư vào Nghệ An đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư, mà còn khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, vào sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền tỉnh Nghệ An ngày càng cao. Và niềm tin ấy đã biến thành những giá trị thực tế khi các doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 30-35% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nghệ An dự chi hơn 9.000 tỷ đồng để đưa khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm
Tỉnh lớn nhất Việt Nam đầu tư hơn 96.000 tỷ đồng quy hoạch một khu kinh tế