Theo thông tin từ HNX, chỉ trong năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã 11 lần phát hành thành công trái phiếu với lượng vốn huy động khủng.
Câu chuyện trái phiếu từ Nghị định 65 của Chính phủ trở thành đề tài "hot" khi giới đầu tư loay hoay đi tìm tin về thị trường trái phiếu và câu chuyện trái phiếu không dừng lại ở ngành bất động sản mà chuyển hướng sang ngành năng lượng tái tạo vốn bùng nổ từ năm 2016 đến 2021.
Giới đầu tư mở rộng ra, đi tìm về Trungnam Group và hệ sinh thái này thì bất ngờ với quá trình tăng trưởng và phát triển của Trung Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với các dự án điện gió và điện mặt trời lớn, trong đó có dự án Ea Nam.
Theo thông tin từ HNX, trong năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã phát hành thành công trái phiếu với lượng vốn huy động khủng.
Việc huy động vốn trái phiếu của công ty điện gió này khiến nhiều người bất ngờ, tuy nhiên, trao đổi với chủ đầu tư, việc huy động này hoàn toàn phục vụ đầu tư dự án điện gió Ea Nam.
Thống kê cho thấy, các lô trái phiếu của điện gió Ea Nam có thời hạn đáo hạn khá lâu, có lô đến 15 năm. Điều này khá phù hợp với chu kỳ làm dự án điện gió. Trong các lô trái phiếu phát hành năm 2021 của Trung Nam chỉ có 1 lô vừa đáo hạn.
Cũng không quá ngạc nhiên khi Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 huy động được nguồn vốn lớn, khi tìm hiểu sâu hơn mới thấy, công ty chỉ là một mắt xích trọng yếu trong hệ sinh thái Trung Nam Group.
Từ thông tin Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 nêu trên, khi tìm hiểu rộng ra, chúng tôi mới biết Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là công ty thành viên của Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Trung Nam Group thể hiện vai trò trung tâm của hệ sinh thái khi vốn điều lệ lên đến 20.000 tỷ đồng. Khoản trái phiếu của Trung Nam group có kỳ hạn ngắn hơn kỳ hạn của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1. Trong số trái phiếu của công ty, có 2 lô phát hành tháng 5 và 8 năm ngoái trong đó có 1 lô đã được mua lại trước hạn. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ có thể thấy, lô trái phiếu mua lại trước hạn đáo hạn vào 16/8/2022 trong khi lô phát hành gần đây nhất là 29/7/2022.
Trong hệ sinh thái của Trung Nam đáng chú ý còn có rất nhiều công ty thành viên khác và đều phát hành trái phiếu lượng lớn thời gian qua. Ví dụ như trường hợp Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cũng do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm Chủ tịch HĐQT/người đại diện theo pháp luật mới đây cũng phát hành trái phiếu lượng lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Điện mặt trời Trung Nam đa phần huy động trái phiếu kỳ hạn 7-9 năm và toàn bộ 2.350 tỷ đồng trái phiếu của nhóm này phát hành vào năm 2019.
Theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã trải qua 18 năm hoạt động với những bước tiến vượt bậc. Với hệ sinh thái đa ngành nghề bao gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử. Ông Nguyễn Tâm Thịnh là Chủ tịch HĐQT của Trungnam Group.
Trước đây, Trung Nam không quá nổi trội trên thị trường tài chính. Chỉ vài năm trở đây, hệ sinh thái Trung Nam đã lớn mạnh cùng với việc bước vào lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo. Quy mô vốn điều lệ của công ty tăng theo tiến trình phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của công ty.
Tính đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021. Đặc biệt, các dự án của tập đoàn đa phần hoàn thành vào tháng 10/2021 nên kịp hưởng ưu đãi về giá. Ngoài điện gió, Trung Nam có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Dự án điện gió Ea Nam được Trungnam Đak lăk 1 triển khai đầu tư tại Đak lăk là một trong 2 dự án lớn nhất của Trungnam Group với sản lượng điện là hơn 1,1 tỷ kWh mỗi năm.
Trong định hướng chiến lược, Trungnam Group tiếp tục đầu tư nhiều dự án năng lượng. Cụ thể, đến năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5 GW điện khí LNG, doanh thu dự kiến hơn 1,5 tỷ USD. Công ty cũng tham vọng với mục tiêu thành nhà đầu tư năng lượng tái tạo vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Năm 2021 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán. Các công ty chứng khoán cũng tận dụng triệt để hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) của các nhà đầu tư, làm gia tăng mạnh các nhà đầu tư F0. Báo cáo thường niên năm 2021 của chứng khoán VnDirect ghi nhận số liệu từ VSD cho vbiết các nhà đầu tư cá nhân đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2021, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước đó. Tổng cho vay hoạt động ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán gần 15.500 tỷ đồng, gấp 3,3 lần số đầu năm, trong đó chon vay margin hơn 14.400 tỷ đồng và tăng lên thành gần 16.100 tỷ đồng đến cuối quý 1/2022.
Hiệu ứng FOMO cũng khiến các công ty chứng khoán “rơi” vào vòng xoáy trái phiếu của các doanh nghiệp. Cùng với đó, các tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng đang được quan tâm đến, các giao dịch liên quan đến trái phiếu cũng được nhắc đến nhiều. Và thống kê quan trọng nhất: VnDirect giao dịch hơn 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021.
Sở dĩ câu chuyện của VNDIRECT được đưa ra cùng bàn cân cân đo đong đếm Trung Nam là bởi, VNDIECT không những là bên nhận thế chấp lượng lớn cổ phiếu Trung Nam (tăng vốn một cách khá bất ngờ) mà còn là bên thu xếp gần như tất cả trái phiếu giá trị tính theo mệnh giá lên đến con số chục nghìn tỷ trái phiếu của Trung Nam.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của VnDirect cho biết tổng giá trị giao dịch thực hiện trong năm 2021 của công ty chứng khoán này là hơn 2,05 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch của các nhà đầu tư hơn 1,84 triệu tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch của công ty trong năm đạt hơn 215.300 tỷ đồng, thì có đến hơn 201 nghìn tỷ đồng là giao dịch trái phiếu.
Không chỉ đóng vai trò "trung tâm giao dịch trái phiếu" với số lượng lên đến hàng trăm nghìn tỷ, VnDirect cũng tham gia sâu vào thị trường trái phiếu với việc phát hành 1.250 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021.
BCTC năm 2021 ghi nhận tổng dư nợ vay tài chính ngắn hạn đến 31/12/2021 hơn 20.400 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn bằng VND hơn 15.200 tỷ đồng và vay bằng USD gần 5.200 tỷ đồng. Vay bằng VND thực hiện tại các ngân hàng, trong đó chủ nợ lớn nhất là BIDV gần 3.300 tỷ đồng; Vietcombank hơn 1.800 tỷ đồng, Vietinbank hơn 1.700 tỷ đồng còn lại ở các ngân hàng khác gần 8.400 tỷ đồng. Dư nợ ngắn hạn của VnDirect đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2021. Trong đó khoản nợ từ BIDV đã tăng gấp đôi.
Năm 2022, VnDirect đã tiến hành tăng vốn với mục đích tăng quy mô hoạt động của công ty để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ khách hàng, tăng năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, đồng thời bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty. Trước đó năm 2021 VnDirect cũng đã từng tăng vốn lớn, gần gấp đôi.
VnDirect thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Một năm sau đó, tăng vốn gấp 6 lần lên 300 tỷ đồng. Vốn điều lệ này được giữ nguyên đến năm 2010 công ty liên tiếp tăng vốn điều lệ 2 lần, lên 450 tỷ đồng rồi lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng - gấp 3,3 lần đầu năm.
Năm 2014 Vndirect tăng lại vốn lên 1.550 tỷ đồng nhằm tập trung vào hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay margin. Năm 2018 công ty tiến hành tăng vốn lên hơn 2.200 tỷ đồng. Năm 2021 VnDirect tiếp tục công cuộc tăng vốn từ 2.200 tỷ đồng lên gần 4.350 tỷ đồng.
Chưa hết năm 2022, Vndirect đã thực hiện đợt tăng vốn với tỷ lệ tăng rất lớn, từ 4.350 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng tương ứng tăng gấp 2,8 lần ban đầu và gấp hơn 5 lần cùng thời điểm này năm ngoái.
VNDIRECT lớn mạnh như thổi trong cuộc đua trái phiếu vào năm 2019-2021 và đáng mừng cho công ty khi sự lớn mạnh đó từng đem lại sự thịnh vượng cho những nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu VND.
Với năng lực rất nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, VNDIRECT là bên tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Trung Nam cũng như đồng hành cùng hệ thống Trung Nam phân phối trái phiếu ra thị trường.
Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ như một chiếc phễu lọc. Chiếc phễu này dường như đang phát huy được ưu thế của nó khi mà, những khoản trái phiếu nghìn tỷ đang cần phải chứng minh năng lực sinh lời phù hợp để xứng đáng cho nhà đầu tư quan tâm.
Phải nói thêm rằng, trước "bão" trái phiếu mà thị trường đang chứng kiến, nhiều doanh nghiệp đang bị đánh đồng kiểu "cá mè một lứa" khiến doanh nghiệp gặp khó trong cơ hội tiếp cận nhà đầu tư.
Chất của trái phiếu là một trong những vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm khi lựa chọn trong bối cảnh hiện tại.
VNDirect (VND) và chuỗi vận hạn: Cổ phiếu lao dốc, thị phần bị đối thủ lấn át , đầu tư lận đận
Cổ phiếu VNDirect ngấm đòn sau 8 tháng 'sập' hệ thống, rủi ro từ danh mục trái phiếu Trung Nam