Nghịch lý: Một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới lại khiến hàng triệu người rơi vào nạn đói
Nhu cầu về an ninh lương thực ngày càng trở nên cấp bách. Đây là vấn đề mà Chính phủ Ấn Độ phải đối mặt khi cuộc bầu cử đang đến gần.
Gạo, lúa mì, sữa và mía – Ấn Độ là một trong những nước sản xuất nông sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên hàng triệu người vẫn đang chết đói ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đại diện doanh nghiệp nông nghiệp toàn cầu Bunge nhận định: “Nạn đói là vấn đề lớn nhất ở Ấn Độ”.
Theo Amit Sharma, trưởng nhóm thương mại toàn cầu của Bunge, vẫn còn hàng triệu người đang thiếu ăn ở ngoài kia, những thực phẩm họ nhận được phần lớn đều không đủ chất dinh dưỡng.
CNBC cho biết, Ấn Độ có thể là nước sản xuất thực phẩm lớn thứ 2 trên thế giới dựa trên hàm lượng calo, nhưng quốc gia này lại đứng thứ 111 trên 125 quốc gia trong Chỉ số nạn đói toàn cầu được công bố gần đây. Chỉ số đề cập đến mức độ nạn đói ở dân số Ấn Độ là vô cùng “nghiêm trọng”.
Quốc gia này, với dân số 1,4 tỷ người, chiếm 1/4 số người thiếu dinh dưỡng trên thế giới và là nơi sinh sống của hơn 190 triệu người đói khát.
Logistics và chuỗi cung ứng
Một phần lớn của vấn đề nằm ở những trở ngại về mặt logistics.
Sharma cho rằng lý do duy nhất là vì không có chuỗi cung ứng: “Không ai nói về chuỗi cung ứng. Cũng chẳng có ai nói về logistics”.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, “cơ sở hạ tầng nghèo nàn” của Ấn Độ đã dẫn đến một số sản phẩm bị tổn thất gần 40% sau thu hoạch.
Tổn thất sau thu hoạch đề cập đến lượng thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng từ khâu thu hoạch đến quá trình tiêu thụ. Rau, trái cây hết hạn nhanh hơn khi thiếu kho lạnh và hàng trăm tấn ngũ cốc thực phẩm có nguy cơ bị thối rữa trong kho.
ITA chỉ ra các lý do khác khiến năng suất Ấn Độ thấp còn do hệ thống phân phối thực phẩm “không hiệu quả”, thời tiết thất thường, các quy định nặng nề cũng như thiếu hướng dẫn và đào tạo cho nông dân.
Nông dân thu hoạch lúa mì vào tháng 4/2022 tại Ấn Độ. Ảnh: CNBC |
Vấn đề lương thực của Ấn Độ còn phức tạp hơn bởi sự gia tăng tầng lớp trung lưu đang có nhu cầu nhiều hơn về số lượng lẫn chất lượng thực phẩm.
Các chuyên gia đều thấy rằng nhu cầu về an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng nhất. Đó là một vấn đề mà Chính phủ phải đối mặt khi cuộc bầu cử của đất nước đến gần.
Cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ của Ấn Độ
Ấn Độ là nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới và là nước sản xuất gạo, lúa mì, rau và trái cây lớn thứ 2.
Họ khẳng định bản thân “tự lực và cạnh tranh với quốc tế”. Tuy nhiên, trong năm qua, nguồn cung không ổn định và biến động giá đối với các sản phẩm thực phẩm quan trọng khiến Chính phủ phải hạn chế xuất khẩu.
Trong nỗ lực kiểm soát giá nội địa, Ấn Độ bắt đầu cấm xuất khẩu hành tây từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Vào tháng 10/2023, nước này cũng gia hạn hạn chế xuất khẩu đường.
Giá cà chua, thực phẩm chủ lực trong các món ăn địa phương, tăng vọt vào năm ngoái do điều kiện thời tiết bất lợi.
Khi cuộc bầu cử đang đến gần, một số người hy vọng rằng sẽ có nhiều biện pháp được đưa ra hơn để hỗ trợ “hệ sinh thái thực phẩm” của đất nước.
Radhika Rao, nhà kinh tế cấp cao tại DBS Bank cho biết: “Ngân sách sắp tới có thể bao gồm các biện pháp hỗ trợ cộng đồng nông thôn và nông nghiệp, vì lĩnh vực này phải đối mặt với sự gián đoạn trong thời gian ngắn do điều kiện thời tiết khó lường và áp lực lạm phát”.
Được biết Ấn Độ sẽ công bố ngân sách tạm thời vào ngày 1/2.
>> Quốc gia châu Á 'vụt sáng', thế chân Trung Quốc trở thành tâm điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu