Mặt hàng đặt biệt này được ví như 'gà đẻ trứng vàng' đối với các hãng xe điện.
Sáng nay 25/4, Tập đoàn Vingroup (VIC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại phiên thảo luận, một trong những chủ đề '' nóng'' được các cổ đông quan tâm là VinFast - Thương hiệu xe điện Việt Nam đã vươn tầm thế giới khi niêm yết trên Sàn Chứng khoán Nasdaq Stock LLC của Mỹ và trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu.
Hiện Vinfast đã đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 80%, là xe Việt, niềm tự hào của người Việt. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, sẽ còn thu xếp tài sản cá nhân, tài trợ thêm cho Vinfast 1 tỷ USD nữa.
Đáng chú ý, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu là bán xe, nhưng theo tôi được biết thì chứng chỉ carbon cũng ra tiền. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch là VFS |
Được biết, tín chỉ carbon đang được ví như ''gà đẻ trứng vàng'' của các hãng ô tô điện. Mặc dù không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng tín chỉ carbon là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành này. Các nhà sản xuất xe điện có được một lượng tín chỉ carbon dư thừa từ việc sản xuất xe điện. Họ có thể bán chúng cho những nhà sản xuất ô tô khác để giúp các bên này tuân thủ những quy định về khí thải.
Một trong những 'ông lớn' ngành xe điện là Tesla đã áp dụng thành công lợi thế này. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.
Nguồn: CarbonCredits |
Ở Mỹ, nhiều bang đã và đang thực thi các quy định về việc phân tín dụng carbon cho các công ty sản xuất ôtô cá nhân.
Theo các quy định này, tín dụng carbon được tính dựa trên mức độ phát thải của từng chiếc xe, cùng với các yếu tố như thời gian hoạt động và số km mà phương tiện có thể di chuyển trong một lần sạc. Xe có khả năng di chuyển xa và lâu hơn trong mỗi lần sạc sẽ được hưởng nhiều tín dụng carbon hơn.
Chính phủ các bang này quy định rằng, mỗi năm, các hãng xe phải sản xuất một số lượng ôtô không phát thải dựa trên tổng số xe được bán ra trong bang đó. Điều này có nghĩa là, mức độ sản xuất xe không phát thải sẽ tăng theo tỉ lệ với số lượng xe bán ra. Trong trường hợp các hãng xe không đáp ứng được mức tín dụng carbon yêu cầu trong một năm, họ có thể mua tín dụng từ các công ty khác.
Không chỉ riêng Mỹ, mà cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng áp dụng các quy định tương tự. Tại Trung Quốc, các quy định về mức tín dụng carbon đối với các nhà sản xuất ôtô đã tăng từ năm 2019 và đang trong quá trình phát triển.
Việc giảm lượng khí thải carbon và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết toàn cầu, do đó, nhu cầu về tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng trong tương lai.
>> Vingroup (VIC) ‘lấn sân’ sang mảng chăn nuôi, các doanh nghiệp cùng ngành có phải lo?