Ngôi chùa thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến hành hương, đặc biệt là dịp đầu năm mới.
Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), chỉ cách Hà Nội khoảng 40km. Ngôi chùa là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Xưa nay chùa vẫn được biết đến như một danh lam bậc nhất xứ kinh Bắc và cũng là di tích quốc gia đặc biệt của nước ta.
Theo đó, chùa Dâu được xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226 ở vùng Dâu, thành Luy Lâu, theo Cục Di sản Văn hóa ghi nhận. Địa điểm tâm linh này được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, cái nôi của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, tức 4 vị thần tương ứng với hiện tượng mây, gió, sấm, chớp. Hình thành từ sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Chùa Dâu có lối kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc" với ba tòa nhà liên tiếp là tiền đường, thiêu hương và thượng điện, tạo thành hình dáng chữ công. Tất cả được bao quanh bởi bốn bức tường hình chữ quốc tráng lệ.
Khi bước đến chùa Dâu, du khách sẽ được tham quan một ngôi cổ tự nằm trên khu đất rộng, cao, với cây cối xung quanh mọc phồn thịnh, tạo nên khung cảnh độc đáo và thư giãn. Kiến trúc của Chùa Dâu mang đậm dấu ấn của những ngôi chùa cổ, là sự kết hợp của nét điêu khắc và kiến trúc thời Lê - Nguyễn.
Tiền đường bao gồm nhiều điện diêm vương, nhà thiêu hương và trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Nhà thượng điện, với kiến trúc độc đáo, thể hiện nét tôn nghiêm và đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Các tượng nghệ thuật trong chùa, bao gồm 18 pho tượng của các vị la hán, tạo nên không khí linh thiêng, oai nghiêm hiếm nơi đâu có được.
Đặc biệt, tại sân chùa, nổi bật với tháp Hòa Phong ba tầng, cao 17m, là điểm đặc sắc với gạch nung chuông và được khánh đúc từ thế kỷ 17-18.
Phía sau sân chùa Dâu là hồ nước nhỏ trong xanh cùng không gian rộng rãi, thoáng mát. Ngay bên cạnh là vườn tháp cổ, nơi để tro cốt, nhục thân của những sư trụ trì chùa đã viên tịch. Chùa hiện cũng đã được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đặc biệt năm 2013.
Ngoài ra khi tới đây du khách cũng có cơ hội tham gia lễ hội Chùa Dâu. Hằng năm, lễ hội diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng tư âm lịch với quy mô lớn. Những hoạt động như cướp nước, kiệu đua, mẹ đuổi con và các nghi lễ tôn giáo độc đáo sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm khó quên.