Ngôi chùa cổ gần 700 năm tuổi vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt: Rộng hơn 5.000m², có cả hầm địa đạo bên dưới, tọa lạc ngay ở ngoại thành Hà Nội
Không chỉ mang đậm giá trị về tôn giáo, kiến trúc, ngôi chùa này còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thanh Oai.
‘Báu vật' lịch sử, văn hóa đồ sộ
Chùa Bối Khê tọa lạc tại thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một trong những ngôi chùa cổ kính tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ mang giá trị tôn giáo, chùa còn là di tích lịch sử quan trọng, phản ánh dấu ấn văn hóa qua nhiều thời kỳ.
Chùa Bối Khê được xây dựng vào khoảng năm 1338 dưới đời vua Trần Hiến Tông. Ngôi chùa đã trải qua tám lần trùng tu, từ thời Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn, đến lần phục dựng gần nhất vào năm 2006. Đặc biệt, vào năm 1998, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây (cũ) đã tu sửa lại gác chuông, vốn bị hư hỏng nhẹ do đạn pháo của quân Pháp trong năm 1947. Với lối thờ tự "Tiền Phật, hậu Thánh" tương tự như chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) hay chùa Keo (Thái Bình), chùa Bối Khê là nơi tôn thờ Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An, một vị thiền sư đắc đạo thời Trần.
Chùa có diện tích hơn 5.000m² xây dựng theo lối "Nội công, ngoại Quốc", quay về hướng Tây. Kết cấu bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như Đền Đức Ông, vườn tháp, Ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tả - hữu hành lang), điện Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung), nhà Tổ - nhà Mẫu và nhà khách. Đặc biệt, hệ thống đấu củng tại điện Thánh là một sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân xưa, giúp nâng đỡ mái đao cao vút mà không cần đến cột trụ giữa.
Một điểm nhấn khác của chùa Bối Khê là hệ thống tượng thờ với 92 pho tượng, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Những bức tượng có niên đại từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, trong đó bức tượng Quan Âm 12 tay, chế tác vào năm 1382 dưới triều Trần Phế Đế, được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Ngoài giá trị tôn giáo, chùa Bối Khê còn đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Pháp. Đây từng là nơi có hệ thống hầm địa đạo, giúp quân và dân địa phương đập tan ba cuộc càn quét của quân Pháp, tiêu diệt 372 tên địch. Địa đạo dài 3km, chạy xuyên qua tòa thượng điện, đền thờ Nguyễn Trực – lưỡng quốc trạng nguyên (gần chùa Bối Khê) và bao quanh làng Bối Khê. Hiện nay, các hầm trong xã và khu vực lân cận đều đã bị bịt kín, chỉ riêng hầm trong chùa Bối Khê vẫn còn một lối mở với chiều dài khoảng 7m.
Được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Di tích chùa Bối Khê được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1979. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hằng năm, chùa tổ chức lễ hội vào đầu xuân, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch), cùng với lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê, Tiên Lữ.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XXIII, Đảng bộ huyện Thanh Oai xác định bảo tồn và phát triển chùa Bối Khê là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều dự án trùng tu, bảo tồn di tích theo hướng bền vững, đảm bảo giữ gìn nguyên trạng và tính chân thực lịch sử.
Nhằm quảng bá bề dày lịch sử cũng như giá trị văn hóa, nghệ thuật của chùa, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, đưa chùa Bối Khê trở thành điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch của huyện Thanh Oai và TP Hà Nội. Song song với đó, huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch, đảm bảo sự hài hòa giữa khai thác du lịch và bảo vệ cảnh quan, môi trường di tích.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, ngày 17/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê. Đây không chỉ là niềm vinh dự to lớn mà còn là thành quả của sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), huyện Thanh Oai sẽ tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với chùa Bối Khê. Bên cạnh đó, buổi lễ cũng đánh dấu thời điểm khai hội chùa Bối Khê xuân Ất Tỵ 2025, là dịp để nhân dân tưởng nhớ, tôn vinh Đức Thánh Bối và ôn lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương. Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Thanh Oai mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng bền vững.