Du ngoạn

Làng cổ 'hai vua' đầu tiên của Việt Nam được công nhận Di tích quốc gia, nằm tại thị xã duy nhất từng lên thành phố rồi lại xuống thị xã

Thùy Dung 27/08/2024 09:02

Với những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong và cột gỗ lim, nơi đây lưu giữ nhiều đặc trưng của một ngôi làng vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Làng cổ Đường Lâm nằm trên địa phận thị xã Sơn Tây - thị xã duy nhất của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 44km. Nơi đây không chỉ là quê hương của hai vị vua nổi tiếng Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (808-944), mà còn sản sinh ra sứ thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao tài ba vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Vì vậy, Đường Lâm được nhiều người ưu ái gọi là "đất hai vua".

Trải qua hàng trăm năm, Đường Lâm vẫn giữ nguyên vẹn những nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Năm 2006, nơi đây vinh dự trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của cả nước được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Ảnh: Nina May

Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của cả nước được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Ảnh: Nina May

Mặc dù không rộng lớn, Đường Lâm lại là một kho tàng di tích lịch sử quý giá như Đền Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đình Mông Phụ và Chùa Mía. Không chỉ thế, Đường Lâm còn nằm gần các điểm du lịch hấp dẫn như Đền Và, chùa Thầy, chùa Tây Phương và các khu danh lam thắng cảnh như Đồng Mô, Suối Hai, Đá Chông, tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú và hấp dẫn cho du khách khi ghé thăm.

Đường Lâm không chỉ là một ngôi làng cổ mà còn là biểu tượng sống động của văn hóa làng quê Việt Nam với cổng làng cổ kính, cây đa rợp bóng, giếng nước mát lành và ao sen thơm ngát. Những con ngõ nhỏ rêu phong, đường làng uốn lượn, mái ngói đỏ thẫm, tường đá ong sậm màu cùng sự hài hòa trong bố cục các công trình kiến trúc đã vẽ nên một không gian sinh hoạt cộng đồng đậm chất Bắc Bộ, in dấu một nền văn minh lúa nước ngàn đời.

Trải qua hàng trăm năm, Đường Lâm vẫn giữ nguyên vẹn những nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Ảnh Nina May

Trải qua hàng trăm năm, Đường Lâm vẫn giữ nguyên vẹn những nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Ảnh Nina May

Xã Đường Lâm gồm có 6 làng họp lại, nổi tiếng nhất là làng Mông Phụ. Đây là làng rộng nhất trong số 6 làng của Đường Lâm. Vào làng Mông Phụ, hầu như bất kỳ ai cũng chú ý đầu tiên đến cổng và ngôi đình của làng. Cổng làng được xây dựng trên trục đường chính dẫn vào làng. Với bất kỳ người dân ở vùng thôn quê nào trên đất Việt, cổng và đình làng là hai công trình kiến trúc tượng trưng cho sự trù phú, thịnh vượng của làng.

Không gian sinh hoạt tại Đường Lâm mang đậm hồn quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh Nina May

Không gian sinh hoạt tại Đường Lâm mang đậm hồn quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh Nina May

Điểm nhấn đặc biệt ở Đường Lâm chính là những ngôi nhà được xây dựng từ đá ong - loại vật liệu độc đáo và gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Các bức tường đá ong với bề mặt thô ráp nhưng ấm cúng, bếp lò đơn sơ, hay tường rào chạy dài thẳng tắp, tất cả đều khoác lên mình sắc nâu mật mộc mạc, tạo nên vẻ đẹp riêng có và đầy sức hút của làng cổ Đường Lâm.

Đã vài trăm năm tuổi, nhưng những bức tường này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tạo nên một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian vô cùng đặc sắc. Sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá ong rất dễ chịu, thoải mái; tường nhà không bị ẩm mốc, mùa hè thì mát mẻ bởi đá ong là loại vật liệu có kết cấu rỗng, có khả năng trao đổi không khí.

Không gian đường làng mang dấu ấn thời gian tại Đường Lâm. Ảnh Nina May

Không gian đường làng mang dấu ấn thời gian tại Đường Lâm. Ảnh Nina May

Hiện tại, làng còn giữ gìn 956 ngôi nhà cổ, tập trung chủ yếu ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà có niên đại từ những năm 1649, 1703, 1850... Chúng ẩn mình dưới lớp rêu phong phủ kín những viên ngói mũi ri đã cong võng theo năm tháng, hòa quyện cùng những gian nhà sàn, vườn tược, nhà ngang, giếng nước và các công trình phụ trợ. Tường và cổng nhà được xây bằng đá ong, kết dính bằng hỗn hợp đất, bã trầu và bùn theo lối cổ xưa, tạo nên nét độc đáo riêng biệt.

Nếu người Hội An tự hào với phố cổ, người Hà Nội kiêu hãnh về 36 phố phường thì người Đường Lâm cũng hoàn toàn có lý do để tự hào về làng cổ của mình. Những ngôi nhà đá ong không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn trở thành điểm đến quyến rũ cho du khách mỗi khi ghé thăm miền đất xứ Đoài mây trắng. Hằng năm, Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 120.000-130.000 lượt du khách, trong đó có 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.

Những ngôi nhà đá ong tại Đường Lâm như chứng nhân lịch sử của làng. Ảnh: Nina May

Những ngôi nhà đá ong tại Đường Lâm như chứng nhân lịch sử của làng. Ảnh: Nina May

Chỉ với một ngày trải nghiệm tại Đường Lâm, du khách có thể hòa mình vào không gian cổ kính, chiêm ngưỡng hệ thống di tích, nhà cổ, đường làng và cổng làng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp của một ngôi làng truyền thống Bắc Bộ. Đường Lâm hiện lên như một bảo tàng sống, tái hiện rõ nét bức tranh làng quê Việt xưa.

Đến với Đường Lâm, du khách không chỉ được thả hồn vào không gian thanh bình, trong lành mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm hương vị quê nhà như gà mía, tương, chè lam, cùng các loại bánh kẹo truyền thống, để lại dấu ấn khó quên trong lòng mỗi người.

Vào ngày 30/5/2006, thị xã Sơn Tây chính thức được công nhận là đô thị loại 3. Đến ngày 2/8/2007, Chính phủ ra quyết định nâng cấp Sơn Tây thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, chỉ sau gần hai năm “thăng hạng”, vào ngày 8/5/2009, Sơn Tây lại trở về vị thế thị xã trực thuộc Hà Nội khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô. Vì thế, Sơn Tây không chỉ được biết đến là thị xã duy nhất của Hà Nội mà còn thị xã duy nhất cả nước từng được lên thành phố rồi lại xuống thị xã.

>> Ngôi làng cổ hơn 600 tuổi duy nhất Việt Nam 'con nít ít hơn Tiến sĩ', có tới 3 di sản được UNESCO công nhận, 7 di tích cấp quốc gia

Phát hiện làng cổ như 'đảo trong đảo', đẹp tựa thiên đường ở tỉnh có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Ngọn núi cao 1.500m có nguy cơ đổ sập tạo sóng thần lên đến 80m, 10 ngôi làng có thể bị xóa sổ

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Làng cổ 'hai vua' đầu tiên của Việt Nam được công nhận Di tích quốc gia, nằm tại thị xã duy nhất từng lên thành phố rồi lại xuống thị xã
POWERED BY ONECMS & INTECH