Đền là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng trên dưới 1.000 năm.
Đền thờ Lê Hoàn nằm ở cuối làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Di tích lịch sử này được coi là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tháng 12/2018.
Theo sử sách, Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Trung Lập ngày nay. Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị.
Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo tướng quân. Mùa đông năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào.
Năm Canh Thìn (980) Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Vua đánh tan quân Tống giữ yên bờ cõi, chinh phạt Chiêm Thành, từng bước khẳng định chủ quyền đất nước, cho đúc tiền Thiên Phú, chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giao thông, thương mại,...
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Hoàn mất năm Ất Tỵ (1005) tại điện Trường Xuân (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình), thi hài được an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi.
Sau khi vua Lê Đại Hành mất, để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng Trung Lập dựng một ngôi miếu nhỏ bằng tre lá ngay trên mảnh đất mẹ con vua từng ở để phụng thờ. Thời vua Lý Thái Tổ cho dựng lại miếu và đến thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho xây dựng đền quy mô như hiện nay.
Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Công trong Hán văn, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường, hậu cung cùng với hệ vì kèo đặc trưng: giá chiêng, chồng rường, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi đền.
Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc như chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ công trình với đề tài phong phú và đa dạng theo mô típ truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống làm bằng đất nung của thế kỷ XVIII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc của di tích.
Trong di tích hiện vẫn còn lưu giữ hệ thống những hiện vật cổ: bát hương, đại tự, câu đối và các sắc phong qua các triều đại vua Lê, Nguyễn. Cùng với đó là những đồ ngự dùng của nhà vua như chén, đôi đũa thử độc,… Đặc biệt, còn có chiếc đĩa cổ bằng đá trắng tương truyền của vua nhà Tống tặng Lê Hoàn được gọi là "Ngọc tuyết".
Đôi đũa thử độc của vua bằng kim loại và được cất trong một hộp đũa riêng khắc chạm hoa văn tinh xảo. Đôi đũa này tương truyền mỗi khi vua ăn đều được các cận thần dùng đũa gắp vào thức ăn trước, nếu có độc đầu đũa sẽ bị đen lại ngay lập tức.
Đã có rất nhiều các nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu về các cổ vật trên. Để cho ra được kết quả đôi đũa làm bằng chất liệu gì, đĩa ngọc ra sao thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hiện người dân địa phương vẫn gọi đĩa ngọc và đôi đũa thử độc của vua là báu vật.
Lễ hội đền Lê Hoàn thường diễn ra ngày 7-9/3 Âm lịch hàng năm. Trong lễ hội, hình ảnh trại binh thời Lê Sơ sẽ được tái hiện quy mô, đậm màu sắc lịch sử. Ngoài ra, còn có các phần diễn tích cày ruộng để ghi nhớ công ơn vua Lê Đại Hành - người đích thân cày ruộng vào một ngày đầu xuân năm Đinh Hợi 987.
Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, hoạt động thể dục thể thao khác như thi đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, thi làm bánh răng bừa cũng được tổ chức phục vụ người dân và du khách. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng, năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.