Ngôi đền thiêng tồn tại hơn 14 thế kỷ tại vùng ‘đất học’ Nam Định, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia
Ngôi đền tọa lạc tại thôn Ba, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, là một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia mang vẻ đẹp cổ kính và thanh tịnh.
Đền Giáp Ba, hay còn được biết đến với tên gọi đền Cẩm Nang, tọa lạc tại thôn Ba, thị trấn Nam Giang, tỉnh Nam Định. Đây là một công trình lịch sử quan trọng, gồm đền chính thờ Triệu Việt Vương và hai ngôi đền thờ hai vị tướng họ Đoàn.
Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trực, khu vực đền Giáp Ba từ thời Hậu Lê đã được biết đến với tên gọi thôn Cẩm Nang, thuộc xã Châu Nguyên. Dù sau này thôn này được đổi tên thành thôn Ba, người dân nơi đây vẫn quen gọi địa danh này là Giáp Ba. Từ đó, cái tên đền Cẩm Nang (trước đây) hay đền Giáp Ba (hiện nay) đã ra đời. Vào năm 1994, đền Giáp Ba được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, sinh ra trong một gia đình ở xã Phật Nội, huyện Chu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây. Cha ông là Triệu Túc và mẹ ông là Hán Thị Siêu. Truyền thuyết kể lại rằng một đêm, bà Hán Thị Siêu mơ thấy rồng bay và sau giấc mơ ấy, bà mang thai Triệu Quang Phục.
Mùa xuân năm Mậu Thìn, bà hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Quang Phục. Ngay từ nhỏ, Quang Phục đã nổi bật với tính cách chăm chỉ, thông minh và tài năng vượt trội cả về văn hóa lẫn võ thuật. Khi lên 17 tuổi, sau khi cha mẹ qua đời, ông gia nhập quân đội dưới sự lãnh đạo của danh tướng Lý Bôn (Lý Nam Đế), tham gia cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược nhà Lương, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Năm 544, Lý Bôn lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Lý Nam Đế và đặt kinh đô tại Long Biên. Tuy nhiên, không lâu sau, nhà Lương phái hai tướng Trần Bá Tiên và Dương Sàn dẫn quân xâm lược Đại Việt. Trước sức mạnh áp đảo của quân địch, Lý Nam Đế thất bại và phải rút về động Khuất Liêu, giao lại toàn bộ binh quyền cho Triệu Quang Phục.
Năm 547, Triệu Quang Phục rút quân về đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây là khu vực đầm lầy rộng lớn, với lau sậy rậm rạp, nơi quân ta lập doanh trại trên một gò đất cao giữa đầm. Tận dụng địa hình hiểm trở, Triệu Quang Phục chỉ huy các trận đánh du kích, sử dụng thuyền độc mộc để bất ngờ tấn công, gây tổn thất lớn cho quân Lương và làm quân địch hoang mang.
Nhờ chiến thuật thông minh và sự quyết tâm, quân ta lần lượt giành chiến thắng, đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ. Sau khi đánh bại quân Lương vào năm 548, Triệu Quang Phục lên ngôi, lấy hiệu Triệu Việt Vương và đặt kinh đô tại Long Biên. Tuy nhiên, vào năm 570, ông bị Lý Phật Tử - một người cùng dòng họ với Lý Nam Đế - bất ngờ tấn công. Trước tình thế nguy cấp, ông buộc phải rút lui và cuối cùng trẫm mình xuống cửa biển Đại Nha vào ngày 14/8.
Truyền thuyết kể lại rằng trong cuộc rút lui đầy cam go, Triệu Việt Vương từng dừng chân tại thôn Cẩm Nang để lập doanh trại. Tuy nhiên, quân địch vẫn truy kích không ngừng và ông phải tiếp tục chạy ra cửa biển Đại Nha, nay thuộc thôn Độc Bộ, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên.
Theo Báo Người Nam Định, ngày nay, tại thôn Ba, thị trấn Nam Giang, vẫn còn lưu giữ những dấu tích lịch sử quan trọng gắn liền với sự kiện lịch sử này. Điển hình là khu đất An Mã Chiến, nơi xưa kia quân lính dừng lại để cho ngựa nghỉ ngơi, ăn cỏ và uống nước; khu vực Mã Khởi, nơi dấu chân ngựa vẫn in sâu trên mặt đất; con đường Mã Chạy ở phía Đông Nam làng và khu Cầu Cửa, nơi từng là doanh trại quân lính. Những địa danh này không chỉ là minh chứng sống động cho một thời kỳ lịch sử hào hùng mà còn thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân đối với vị vua anh dũng Triệu Việt Vương.
Năm 571, sau khi Triệu Việt Vương qua đời, nhân dân thôn Cẩm Nang đã xây dựng đền thờ ông ngay tại khu đất mà ông từng dừng chân. Ngôi đền được xây dựng với quy mô lớn, đồ tế tự trang nghiêm và lộng lẫy, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của người dân đối với ông. Trải qua nhiều triều đại phong kiến, đền thờ Triệu Việt Vương tại thôn Ba đã nhiều lần được phong sắc và trở thành nơi phụng sự quan trọng của người dân địa phương.
Bên cạnh đền thờ Triệu Việt Vương, còn có hai ngôi đền thờ quan Đoàn Tướng Công và Đoàn Công Thưởng - hai nhân vật lịch sử sống vào thế kỷ 18, thuộc dòng dõi họ Đoàn ở Cẩm Nang. Trong cuộc đời mình, cả hai ông đã đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình. Đặc biệt, Đoàn Công Thưởng, hay còn gọi là Đoàn Quận Công, từng được phong chức Tổng thái giám và cai quản đề đốc Thị quận công dưới thời vua Lê Dụ Tông (1740-1786).
Đối với quê hương, hai ông đã để lại nhiều dấu ấn và công lao to lớn, được nhân dân ghi nhớ và biết ơn. Chính vì vậy, lăng mộ và đền thờ của họ luôn được người dân thôn gìn giữ cẩn thận, chăm sóc và hương khói, tôn kính như những phúc thần bảo vệ cho cuộc sống bình yên của làng.