Phát hiện ngôi đền cổ 2.100 năm tuổi, ẩn mình trong vách đá: Các nhà nghiên cứu lập tức vào cuộc, tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị
Trong quá trình khai quật ngôi đền bằng đá, nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện các tàn tích của những bức phù điêu bí ẩn.
Theo thông tin trên Live Science, các nhà khảo cổ học Ai Cập mới đây đã phát hiện một ngôi đền cổ đại ẩn trong vách đá tại khu vực Athribis, cách Luxor khoảng 200km về phía Bắc. Ngôi đền này có niên đại khoảng 2.100 năm được cho là có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hiểu biết thêm về tôn giáo và văn hóa thời kỳ Ptolemaic.
Trong quá trình khai quật ngôi đền bằng đá, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các tàn tích của những bức phù điêu mô tả cảnh Vua Ptolemy VIII (trị vì từ khoảng năm 170 đến 116 trước Công nguyên) đang dâng lễ vật cho nữ thần đầu sư tử Repit và con trai bà, Kolanthes. Repit là vợ của Min-Ra, một vị thần liên quan đến khả năng sinh sản.
Ngôi đền có thể được xây dựng để thờ phụng nữ thần Repit (Ảnh: Live Science)
Dựa trên các phát hiện này, ngôi đền có thể được xây dựng để thờ phụng nữ thần Repit, tuy nhiên, tên gọi chính thức của ngôi đền vẫn chưa được xác định. Christian Leitz, trưởng nhóm nghiên cứu và là giáo sư Ai Cập học tại Đại học Tübingen (Đức), cho biết với Live Science trong một email rằng nhóm hy vọng sẽ thu thập thêm thông tin khi các cuộc khai quật được tiếp tục.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện một căn phòng, có chứa nhiều đồ vật có giá trị khảo cổ như các đồ thờ cúng, bình gốm hoặc bình đất sét có hai tay cầm và cổ hẹp. Những hiện vật này cung cấp cái nhìn về cách các đồ vật này được sử dụng trong các nghi lễ tôn thờ. Ở lối vào căn phòng, họ phát hiện các bức phù điêu mô tả Repit và Min-Ra. Một trong các bức phù điêu đặc biệt cho thấy Min-Ra đi cùng với hai decans (những ngôi sao giúp xác định thời gian vào ban đêm). Các decans này có hình dạng cơ thể người, nhưng đầu lại là động vật. Một trong số chúng có đầu chim ưng.
Ở lối vào căn phòng, họ phát hiện các bức phù điêu mô tả Repit và Min-Ra. (Ảnh: Live Science)
Phát hiện này cho thấy sự kết hợp giữa yếu tố thiên văn và tôn giáo trong nền văn hóa Ai Cập cổ đại và cung cấp thêm hiểu biết về cách thức các ngôi sao và thời gian ban đêm có vai trò quan trọng trong các nghi lễ của họ.
Athribis, nơi phát hiện ngôi đền, hiện nằm gần thành phố Sohag ở Ai Cập. Nhóm nghiên cứu bắt đầu khai quật ngôi đền vào năm 2022. Đây là một phần của khu đền lớn mà các nhà khảo cổ đã khai quật từ năm 2012.
Sarah Symons và Juan Antonio Belmonte, các nhà khảo cổ thiên văn học, đã làm việc nhiều ở Ai Cập, họ cho rằng phát hiện này rất thú vị, nhưng cần thêm thông tin về ngôi đền và những ngôi sao giúp đo thời gian vào ban đêm để hiểu rõ hơn về vai trò của chúng trong các nghi lễ tôn giáo của Ai Cập cổ đại.