Ngôi đền tọa lạc tại bán đảo lớn nằm nhô ra giữa hồ nước, được mệnh danh là chốn linh thiêng bậc nhất đất kinh kỳ
Đặc biệt, khuôn viên ngôi đền còn sở hữu “cây di sản” trăm năm tuổi, thu hút đông đảo du khách tìm về chiêm bái.
Nếu bạn là người quan tâm đến tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu thì không nên bỏ qua Phủ Tây Hồ. Đây là một ngôi đền thờ mẫu Liễu Hạnh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Ngôi đền tọa lạc tại bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo những câu chuyện truyền thuyết về lịch sử Phủ Tây Hồ thì đây là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh và những vị thánh có ý nghĩa lớn lao đối với tín ngưỡng của người Việt như Đồng Tử, Sơn Tinh, Thánh Gióng. Phủ Tây Hồ là một trong những điểm đến linh thiêng nhất nhì ở miền Bắc, được nhiều du khách và người dân ghé thăm. Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn dòng người viếng thăm Phủ đông đúc, tấp nập bất chấp trời mưa, nắng gắt.
Nét kiến trúc độc đáo mang màu sắc cổ kính
Phủ Tây Hồ được xây dựng với phong cách kiến trúc truyền thống đậm chất dân gian của Việt Nam từ thời xa xưa.
Ngay từ khi đặt chân đến Phủ, du khách đã có thể thấy được cổng tam quan đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, phía dưới khắc 4 dòng chữ Hán là “Phong đài nguyệt các”. Đi qua cổng tam quan là không gian sân rộng rãi, có hồ nước trong lành.
Ở khu vực Phủ chính có kiến trúc quy mô lớn, mặt trước là cửa tam quan 2 tầng. Qua tam quan còn có phương định 2 tầng, 8 mái, kèm theo đó là nhiều công trình như: nhà tiền tế, điện Sơn Trang, tầng thờ Quan Âm, khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu. Đặc biệt, tại Phủ Tây Hồ, nơi được xem là tôn nghiêm nhất đó chính là khu mật cung – cung cấm. Địa điểm này được xây với 2 gian thờ dọc, kiến trúc kiểu phúc ốc trùng thềm đặc trưng, tạo cảm giác ấm cúng, thần bí.
Thuộc khu vực bán quần đảo ở hồ Tây nên từ phủ Tây Hồ, bạn có thể ngắm nhìn thấy khung cảnh hồ Tây yên bình, thơ mộng làm lòng người thư thái. Nhờ vị trí đặc biệt nên bầu không khí ở Phủ lúc nào cũng có gió trời mát mẻ.
Khuôn viên rộng rãi được trồng nhiều cây xanh, ở đây nổi bật với cây si cổ thụ cao lớn với tán và cành xòe rộng, đây chính là một trong những cây di sản của Việt Nam với hơn 200 tuổi.
Khuôn viên được che mát bởi nhiều tán cây và có nhiều ghế đá nên hẳn sẽ là vị trí lý tưởng để bạn tạm dừng chân ngắm cảnh sau khi hành lễ tại Phủ.
Thời điểm lý tưởng để tham quan Phủ Tây Hồ
Cứ vào dịp lễ Tết lớn của đất nước hoặc ngày mùng 1, 15 Âm lịch hàng tháng, Phủ Tây Hồ đón tiếp hàng nghìn lượt người viếng thăm hành lễ, cầu nguyện, ai ai cũng quần áo lịch sự, tay nâng lễ vật để chuẩn bị làm lễ cầu cho cuộc sống sung túc, ấm no, rất náo nhiệt.
Bạn có thể viếng thăm Phủ Tây Hồ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng nên chú ý theo dõi dự báo thời tiết nếu quyết định đi vào tháng 5 đến tháng 7, vì đây là các tháng mùa mưa ở Hà Nội nên sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động tham quan. Theo quan niệm dân gian, Phủ Tây Hồ là nơi cầu sức khỏe, công danh, tài lộc, may mắn vô cùng linh thiêng. Vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu lựa chọn đến Phủ để đi lễ bạn cũng cần chú ý thời gian mở cửa, đóng cửa để không bị lỡ dở công việc.
Với những người yêu thích du lịch tâm linh thì đây thực sự là một chốn linh thiêng đáng trải nghiệm tại mảnh đất Hà Thành.