Ngôi đình bằng gỗ lim đẹp nhất Việt Nam vừa trở thành di tích quốc gia đặc biệt: Kiến trúc tuyệt mỹ, tuổi đời hơn 300 năm
Công trình này vào cuối tháng 11 vừa qua đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích, trong đó có đình làng Đình Bảng, thuộc TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đình làng Đình Bảng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Quốc Lê |
Theo sử sách, đình làng Đình Bảng được xây dựng trong thời Hậu Lê (1700-1736) và hiện sở hữu tổng diện tích khoảng 750m2. Đây là một trong những công trình kiến trúc gỗ cổ truyền nổi bật nhất Việt Nam với đặc trưng là các đầu đao vươn xa được nối bằng nhà chuyển bồng, khung gỗ lim chắc chắn, mái ngói cong mềm mại, và sàn gỗ tạo cảm giác vững chãi nhưng không nặng nề.
Tòa đại đình mang hình dáng nhà sàn gỗ, thiết kế hình chữ nhật với chiều dài 20m và chiều rộng 14m, chia làm bảy gian, dựng trên nền đá xanh. Mái đình cong rộng, hiếm gặp ở các công trình cùng thời, được đỡ bởi những hàng cột lim có đường kính từ 0,5-0,6m.
Trang trí đầu hồi mái, đình làng Đình Bảng. Ảnh: Internet |
Ngay khi bước vào đình, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tấm che gian chính điện bằng gỗ, một tác phẩm chạm trổ công phu, thể hiện sự tinh tế và kỹ thuật điêu khắc bậc thầy. Đặc biệt, các chi tiết đầu rồng và toàn bộ kèo, cột đều được chạm khắc tỉ mỉ, không chi tiết nào giống nhau. Những đường nét chạm khắc này phản ánh nghệ thuật cung đình của thế kỷ XVII-XVIII, biến đình Đình Bảng thành một "kho tàng điêu khắc cổ" vô giá.
>> Khánh Hòa dự chi hơn 31 tỷ đồng trùng tu 7 di tích
Nhiều chi tiết bên trong đình làng được trạm trổ vô cùng công phu, tỉ mỉ. Ảnh: Quốc Lê |
Đình làng Đình Bảng không chỉ nổi tiếng về kiến trúc mà còn là nơi hội tụ văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Kinh Bắc. Ban đầu, đình thờ ba vị nhiên thần: Cao Sơn Đại Vương (Thần Đất), Thủy Bá Đại Vương (Thần Nước), và Bạch Lệ Đại Vương (Thần Trồng Trọt), tượng trưng cho sự cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hàng năm, vào tháng Chạp Âm lịch, người dân tổ chức lễ hội tại đình để cầu nguyện một năm bội thu.
Gian thờ bên trong đình làng. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, đình cũng thờ Lục Tổ - sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Đặc biệt, sau khi đền Lý Bát Đế bị thực dân Pháp phá hủy năm 1948, bài vị của tám vị vua triều Lý đã được chuyển về đình Đình Bảng để thờ tự, giữ vững truyền thống văn hóa tâm linh của vùng.
Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Đình Bảng từng bị hư hỏng nhẹ, nhưng nhờ các nỗ lực tu bổ, công trình vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản. Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, đình Đình Bảng đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1961. Nay, với danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt, ngôi đình tiếp tục khẳng định vị trí biểu tượng của văn hóa Kinh Bắc và niềm tự hào của người dân địa phương.
>> Ngang nhiên xây dựng trái phép tại khu vực di tích Nhà Lớn TP Vũng Tàu
Khánh Hòa dự chi hơn 31 tỷ đồng trùng tu 7 di tích
Bắc Ninh mở bán hơn 300 căn nhà ở xã hội, giá dự kiến từ 9,2 triệu đồng/m2