'Ngôi nhà' sinh viên 420 tỷ đồng duy nhất Việt Nam đoạt Giải thưởng kiến trúc thế giới: Diện tích hơn 40.000m2, sân khấu biểu diễn sức chứa 1.500 người
Công trình gây ấn tượng ngay từ bên ngoài với thiết kế hình lục giác cùng hệ lam trắng lượn sóng bao quanh.
Làng đại học Thủ Đức - Đại học Quốc gia TP. HCM được biết đến là một địa điểm quen thuộc và ẩn chứa nhiều điều thú vị dành cho giới sinh viên. Những cung đường tình yêu, thiên đường ăn vặt, khu chợ đêm với đa dạng mặt hàng hay các tòa nhà với những thiết kế lạ mắt, tất cả đã khiến cho các sinh viên ít nhiều đều mong muốn một lần có thể check-in sống ảo tại “ngôi làng” này.
Từ năm 2019, giới sinh viên tại đây lại có thể bổ sung thêm một địa điểm sống ảo vô cùng sang chảnh vào cẩm nang của mình. Đó chính là Nhà văn hóa sinh viên nằm trong khuôn viên rộng 3,5ha của Đại học Quốc gia TP. HCM (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM có tổng vốn 420 tỷ đồng, là "món quà" của Thành Đoàn và UBND TP. HCM dành tặng cho sinh viên thành phố. Công trình do công ty kiến trúc GK Archi và Nihon Sekkei hợp tác thiết kế, trong đó kiến trúc sư chủ trì là Nguyễn Trung Kiên, Shatoshi Shimizu. Nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang, Yuriko Nitto và Jumpei Shirai.
Công trình tạo nên biểu tượng cho năng lượng sáng tạo của thế hệ trẻ tương lai thông qua hình thức kiến trúc sử dụng những đường nét truyền thống đặt trong bối cảnh khu đô thị hiện đại. Thiết kế đề cao sự phát triển bền vững, hòa hợp với thiên nhiên.
Nhà văn hóa sinh viên gây ấn tượng ngay từ bên ngoài với thiết kế hình lục giác cùng hệ thống gần 3.000 thanh lam bê tông nhẹ màu trắng bao quanh, nhờ thế được các bạn sinh viên yêu mến gọi là "Nhà Trắng của sinh viên". Những thanh lam vừa là chi tiết tạo hình khối liên tục cho công trình, vừa là hệ thống chắn nắng, cách nhiệt hiệu quả cho các không gian chức năng bên trong. Những thanh lam uốn lượn trên mặt tiền giúp công trình trở nên mềm mại.
Khi bắt tay vào thiết kế, các kiến trúc sư đã nghiên cứu kỹ khí động học để tạo ra sự thông gió và ánh sáng tự nhiên cho toàn thể khối tích lớn của công trình bằng cách kết hợp hệ lam bao quanh bên ngoài cùng một ô giếng trời nằm ở giữa.
Ngoài ra, trần của mỗi gian phòng đều có hệ thống dẫn gió để liên kết với các luồng khí nóng của bên trong khu vực giếng trời tạo nên những luồng không khí đối lưu chạy xuyên vào tận các ngõ ngách. Điều này đã đem lại cảm giác thoáng mát, dễ chịu cho sinh viên khi sử dụng công trình ngay cả trong những ngày hè oi bức. Nhà văn hóa sinh viên hầu như không cần đến hệ thống điều hòa không khí (chỉ lắp một số máy ở không gian kín như văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim).
Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM có diện tích gần 40.000m2, nằm trong khuôn viên lõi trung tâm của khu Đại học Quốc gia TP. HCM rộng 3,5ha. Công trình được khởi công từ năm 2014, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2019.
Nhà văn hóa tích hợp nhiều chức năng phục vụ các hoạt động từ học tập, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ tới chăm sóc sức khỏe cho sinh viên. Có nhiều không gian để sinh viên chọn lựa khi đến với nhà văn hóa. Cửa hàng tiện lợi, nhà sách, rạp chiếu phim, nhà hát 900 chỗ biểu diễn nghệ thuật, các phòng hội thảo, phòng tư vấn tâm lý, pháp luật, tìm kiếm việc làm, trung tâm ngoại ngữ...
Sinh viên còn có nguyên tầng 4 cho các câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên theo sở thích sinh hoạt định kỳ, trang bị kỹ năng. Hay tầng 6 có phòng gym, khu sinh hoạt, đọc sách ngoài trời.
Bao quanh nhà văn hóa còn nhiều hạng mục khác. Sân bóng đá mini, sân bóng rổ, sân khấu biểu diễn ngoài trời sức chứa 1.500 người, nhà vinh danh các gương mặt sinh viên tiêu biểu và cả không gian riêng cho sinh viên họp nhóm.
Cuối năm 2020, công trình Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng kiến trúc thế giới WA Awards (World Architecture Community Award) lần thứ 35. Đây là cuộc tranh tài về kiến trúc - nội thất có quy mô toàn cầu. Giải thưởng là sự công nhận của cộng đồng kiến trúc thế giới đối với những dự án đáng chú ý, có khả năng truyền cảm hứng trong kiến trúc đương đại.