Xã hội

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia

Đại Dương 13/09/2024 08:44

Trải qua nhiều thập kỷ, ngôi nhà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với nhiều di vật, hiện vật cùng các tài liệu và hình ảnh liên quan đến sự kiện Bác Hồ từng lưu lại tại đây.

Nằm nép mình bên bờ đê sông Hồng lộng gió, giữa những ngôi nhà cao tầng san sát ở phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) là ngôi nhà mái ngói phủ sơn vàng của gia đình cụ Nguyễn Thị An.

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia - ảnh 1
Ngôi nhà lịch sử nằm tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Internet

Ngôi nhà này là nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội (từ ngày 23 đến 25/8/1945) để ra mắt đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tại đây, Hồ Chủ tịch đã làm việc cùng các cán bộ cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh,… để thảo luận về kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc và chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia - ảnh 2
Ngôi nhà đang được ông Công Ngọc Dũng - cháu nội của cụ Nguyễn Thị An trông coi, giữ gìn. Ảnh: Internet

Hơn một năm sau, nhân dân xã Phú Thượng lại vinh dự đón Bác về thăm lần thứ hai. Vào buổi sáng hôm đó, Bác đã thăm hỏi và dùng bữa cơm với gia đình cụ An. Người cũng có buổi làm việc với các cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia - ảnh 3
Ngôi nhà lợp ngói xây dựng theo kiểu ba gian hai chái truyền thống. Ảnh: Báo Tiền phong

Cụ thể, nhà cụ Nguyễn Thị An nằm ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng). Bước qua cánh cổng gỗ nhỏ, ta sẽ thấy khoảng sân lát gạch đỏ dẫn đến ngôi nhà lợp ngói xây dựng theo kiểu ba gian hai chái truyền thống.

Phía trước ngôi nhà đã gần 100 năm tuổi này có bốn chữ Hán "Minh nguyệt thanh phong" (trăng thanh gió mát). Hai bên cột là hai dòng chữ nhỏ ghi: "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành" (Nhà được xây dựng vào năm thứ tư thời vua Bảo Đại và khánh thành vào mùa Đông).

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia - ảnh 4
Những tư liệu, hiện vật trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trong ngôi nhà. Ảnh: Internet

Từ đó đến nay, ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An được xem như một "bảo tàng ký ức" lưu giữ những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều thập kỷ, ngôi nhà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong khuôn viên rộng 187,6m2, với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu và hình ảnh liên quan đến sự kiện Bác Hồ từng lưu lại tại đây.

Trong căn nhà ấy, bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng miệt mài làm việc cùng chiếc sập gỗ quen thuộc mà Người đã nằm nghỉ vẫn còn đó. Chiếc máy chữ và chiếc vali mây được Bác mang về từ chiến khu Việt Bắc cũng được đặt ngay ngắn. Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà hiện trưng bày nhiều bức ảnh lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của các cán bộ cách mạng và các đồng chí lãnh đạo đã từng đến thăm gia đình.

Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia - ảnh 5

Từ năm 1996, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An chính thức mở cửa đón khách tham quan. Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Vào năm 2022, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An. Đến thăm ngôi nhà, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá mà còn được lắng nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ do chính cháu nội cụ An, ông Công Ngọc Dũng kể lại.

>> Ngôi làng duy nhất Việt Nam được ví như ‘Trung tâm Thủ đô lâm thời', không có liệt sĩ dù hàng trăm người ra trận, từng là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bên trong ngôi nhà nơi Bác Hồ khai sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập, là biệt thự của vợ chồng nhà tư sản từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Con đường duy nhất giữa lòng Thủ đô được Bác Hồ đặt tên, dài chỉ 1km nhưng thuộc địa bàn 4 phường, là nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ nhất Hà Nội

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ngoi-nha-tai-thu-do-tung-don-bac-ho-tu-chien-khu-viet-bac-tro-ve-la-noi-chuan-bi-cho-ban-tuyen-ngon-doc-lap-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-126597.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà tại Thủ đô từng đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về, là nơi chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, được xếp hạng Di tích Quốc gia
POWERED BY ONECMS & INTECH