Xã hội

Ngôi trường khối ngành kinh tế tốt nhất nhì Việt Nam được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao 9 nhiệm vụ quan trọng

Linh Chi 08/10/2024 - 10:50

Tại lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, T.S Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã chỉ ra 9 nhiệm vụ chính cho Học viện Ngân hàng.

Học viện Ngân hàng - Tinh hoa trong đào tạo khối kinh tế

Học viện Ngân hàng tiền thân là Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, được thành lập theo Quyết định số 3072-VG ngày 13/9/1961 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ chủ yếu của trường là đào tạo học sinh phổ thông trở thành cán bộ trung cấp ngân hàng, nâng cao trình độ cho cán bộ sơ cấp và trung cấp, cũng như đào tạo đại học chuyên tu, tại chức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng.

Vào năm 1998, Học viện Ngân hàng chính thức được thành lập theo Quyết định số 30/1998/QĐ-TTg ngày 09/02/1998, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng. Học viện có nhiệm vụ tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngân hàng. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Học viện Ngân hàng không ngừng nỗ lực, từ một cơ sở đào tạo chuyên về tài chính trở thành một học viện đa ngành, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Khuôn viên Học viện Ngân hàng. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Khuôn viên Học viện Ngân hàng. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Học viện Ngân hàng tọa lạc tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, với toàn bộ cơ sở vật chất nằm trong khuôn viên trường. Định hướng đào tạo mang tính ứng dụng cao, Học viện tạo ra môi trường học tập gắn liền với thực tiễn, thuận lợi cho sinh viên. Trường sở hữu đội ngũ giảng viên tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao, chương trình học tiên tiến, cùng hệ thống giảng đường, thư viện và trung tâm thực hành hiện đại. Học viện cũng có mạng lưới đối tác liên kết rộng rãi và nhiều tiện ích như sân bóng đá, sân bóng chuyền, nhà thể thao đa năng, khu ký túc xá, nhà ăn, hiệu sách và dịch vụ y tế, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong học tập, nghỉ ngơi và phát triển bản thân.

Khi theo học tại Học viện Ngân hàng, sinh viên còn có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi với các trường đại học danh tiếng tại Vương quốc Anh, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Liên bang Nga và Đài Loan (Trung Quốc)...

Nhà trường cũng dành riêng khu ký túc xá khang trang cho sinh viên có nhu cầu nội trú, với an ninh trật tự được đảm bảo, tạo sự an toàn và thoải mái cho sinh viên trong quá trình học tập và nghỉ ngơi.

Học viện Ngân hàng có cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Học viện Ngân hàng có cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Với chất lượng đào tạo hàng đầu, Học viện Ngân hàng luôn là mơ ước của nhiều học sinh. Điểm chuẩn đầu vào thường nằm trong top cao. Năm 2024, Học viện xét tuyển 3.514 chỉ tiêu cho 30 chương trình đào tạo, trong đó dành tối thiểu 50% chỉ tiêu cho các ngành và chuyên ngành. Điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 21,6 đến 26,5 điểm, với ngành Luật Kinh tế có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,5 điểm.

Là một trong những trường hàng đầu khối ngành kinh tế tại Việt Nam, Học viện Ngân hàng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích này và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, như Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba và Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba...

9 nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Ngân hàng

Tại lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, T.S Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã chỉ ra 9 nhiệm vụ chính cho Học viện Ngân hàng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Đội ngũ giảng viên, đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên phát triển năng lực nghiên cứu. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế hoạt động của Hội đồng trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, rõ ràng trong phân định thẩm quyền và trách nhiệm.

TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: M. Hà/Dân trí

TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: M. Hà/Dân trí

Đặc biệt, Học viện cần tập trung vào nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ giảng dạy và tư vấn chính sách cho Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến cũng như trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, Học viện Ngân hàng cũng cần phát triển hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc gia, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Cũng trong buổi lễ, Học viện đã trao gần 8 tỷ đồng học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2023 - 2024, bao gồm khen thưởng cho thủ khoa tốt nghiệp và thủ khoa tuyển đại sinh học năm 2024.

>>Trường Đại học 'tinh hoa' 6.500 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng đón lứa bác sĩ nội trú chuẩn quốc tế đầu tiên, 100% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

8 trường đại học lớn ở phía Nam chỉ sử dụng 3 phương thức xét tuyển năm 2025

Trường Đại học 'tinh hoa' 6.500 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng chính thức nhận chứng chỉ QS 5 sao tại Lễ khai giảng lần thứ 5

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-truong-khoi-nganh-kinh-te-tot-nhat-nhi-viet-nam-duoc-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-giao-9-nhiem-vu-quan-trong-d135377.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi trường khối ngành kinh tế tốt nhất nhì Việt Nam được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao 9 nhiệm vụ quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH