Ngôi trường kiến trúc châu Âu lâu đời nhất Tây Nguyên là 1 trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới thế kỷ 20, nằm ở nơi sắp thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước
Trường Cao đẳng này đã được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX.
Tháng 8/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có quyết định thành lập Trường Cao đẳng Đà Lạt trên cơ sở sáp nhập ba trường Cao đẳng ở Lâm Đồng.
Cụ thể, sáp nhập các trường gồm: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng nghề Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng thành Trường Cao đẳng Đà Lạt. Trụ sở chính của Cao đẳng Đà Lạt được đặt tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (số 109 đường Yersin, phường 10). Ngoài ra, trường còn có một số cơ sở đào tạo tại số 1 Hoàng Văn Thụ (phường 4, Đà Lạt), số 53 Đào Duy Từ (phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc) và thôn Măng Lin (phường 7, thành phố Đà Lạt).
Đây là ngôi trường có lịch sử lâu đời bậc nhất Tây Nguyên, được khởi công xây dựng vào năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có với tên ban đầu là Petit Lycée Dalat.
Năm 1932 trường Petit Lycée Dalat được đổi tên thành Grand Lycée de DalatLycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin. Ngôi trường này là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20.
Kiến trúc châu Âu ấn tượng của trường Cao đẳng Đà Lạt
Theo tìm hiểu, các nguyên vật liệu đầu tiên xây dựng trường đều được mang từ Pháp sang như gạch ép để xây dựng tường và ngói ardoise màu xanh để lợp mái. Dù đã qua 1 thế kỷ nhưng tổng thể kiến trúc của trường vẫn không thay đổi nhiều. Một số thứ đã được thay mới như mái ngói, một số bức tường nhưng kiến trúc cũ vẫn tương đối vẹn nguyên.
Tuy nhiên, có một chi tiết là tháp chuông của dãy nhà hình cung lại bị hư hỏng nặng và chiếc đồng hồ trong đó đã bị mất. không có đồ vật thay thế. Vậy nên, du khách đến tham quan chỉ có thể thấy nền gạch bị lún vào bởi vết tích chiếc đồng hồ cũ.
Cách đi đến trường Cao đẳng Đà Lạt
Nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng hơn 2km, việc di chuyển đến Cao đẳng Đà Lạt tương đối dễ dàng bằng xe hơi hoặc xe máy, trường không thu vé tham quan.
Hiện nay, trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt đã có quy định giờ tham quan, cụ thể từ thứ 2 đến thứ 7 trưởng sẽ mở cửa từ 11h30 đến 13h và sau 16h; Ngày chủ nhật trường mở cửa tự do trong giờ hành chính. Tuy vậy, trước khi đến đây, bạn nên tìm hiểu kỹ, hay hỏi bảo vệ nhà trường vì có một số thời gian có hoạt động đặc biệt, sẽ không cho phép du khách vào.
Với kiến trúc cổ kính và tòa nhà xưa, bạn nên chọn phụ kiện thời trang phù hợp, lịch sự để có được những bức ảnh đẹp.
Tham quan gì ở trường Cao đẳng Đà Lạt?
Ngoài đến check-in tại bức tường gạch đỏ nổi tiếng, du khách cũng có thể chụp ảnh tại tháp chuông nằm ở vị trí cao nhất cuối dãy nhà giảng đường chính. Tháp chuông là một biểu tượng văn hóa của Pháp về sự vươn lên của tri thức, nâng tầm ước mơ.
Khoảng sân rộng giữa trường để phục vụ các môn thể chất, thể dục của trường. Ngoài ra còn trồng những hàng cây tùng rất đẹp như châu Âu.
Ngoài giảng đường chính đặc trưng trường có nhiều dãy nhà cao 2-3 tầng khác phục vụ công việc giảng dạy và học tập: phòng học, phòng thí nghiệm, ký túc xá, phòng giám hiệu, phòng họp…
Hiện nay, trường Cao đẳng Đà Lạt có chức năng đào tạo đa ngành, đa nghề và là một trong những trường cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh trong khu vực.
Tháng 6 vừa qua, đại diện Trường cao đẳng Đà Lạt cho biết năm học 2023-2024, lần đầu nhà trường tuyển sinh lớp 10 đồng thời đào tạo nghề cho học sinh. Học sinh vừa học văn hóa THPT vừa học nghề. Cụ thể, học sinh được học song song 2 chương trình đào tạo THPT và trung cấp nghề. Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học sinh được nhận 2 văn bằng THPT và trung cấp nghề.
Đề nghị làm rõ đề xuất xây biệt thự, khách sạn bên hồ Than Thở ở Đà Lạt
Việt Nam có một thành phố lọt top điểm du lịch giá rẻ nhất châu Á