Xã hội

Ngọn núi 'ba tầng' là nơi lên ngôi của vị vua từng có công xóa bỏ ranh giới Đàng Trong - Đàng Ngoài, được công nhận là di tích cấp quốc gia

Thùy Dung 09/10/2024 - 12:41

Ngọn núi này ghi dấu là chứng tích lịch sử linh thiêng, là di tích lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam.

Núi thiêng chứng kiến hào kiệt

Núi Bân tọa lạc tại xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Không chỉ là một danh thắng thiên nhiên của Phú Xuân - Huế, nơi đây còn mang giá trị lịch sử đặc biệt. Đây chính là địa điểm mà Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và từ đây xuất quân thần tốc ra Thăng Long, đánh bại 29 vạn quân Thanh trong cuộc kháng chiến năm Mậu Thân (1788).

Theo các nhà nghiên cứu, việc chọn núi Bân làm đàn Nam Giao trong hoàn cảnh gấp gáp không chỉ là quyết định mang tính chiến lược mà còn tận dụng tối đa địa thế của vùng đất này. Núi Bân không quá cao, dễ dàng di chuyển và thuận lợi cho việc xây dựng đàn tế nhanh chóng. Xung quanh ngọn núi là những cánh đồng rộng lớn đủ không gian để tập kết hàng vạn quân.

Núi Bân là địa điểm mà Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và từ đây xuất quân thần tốc ra Thăng Long. Ảnh: Internet

Núi Bân là địa điểm mà Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và từ đây xuất quân thần tốc ra Thăng Long. Ảnh: Internet

Chỉ trong vòng một ngày đêm, từ khi nhận tin cấp báo ngày 24 đến ngày 25/11 năm Mậu Thân (1788), lễ xuất quân đã được tổ chức mà không có công trình xây dựng nào. Địa hình tự nhiên của núi Bân được tận dụng bằng cách san núi, mở đường, lập đàn tế để thực hiện các nghi thức quan trọng của triều đình.

Núi Bân có độ cao 41m, diện tích mặt bằng hơn 8ha. Đây là một ngọn đồi trọc được hình thành từ đá sa phiến. Núi nằm về phía Tây của núi Ngự Bình cách đỉnh núi khoảng 620m và cách kinh thành Phú Xuân thời Quang Trung khoảng 3,5km về phía Nam.

Ngọn núi còn được biết đến với tên gọi "Ba Tầng" do kiến trúc độc đáo của nó. Núi Bân được xây dựng thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau, liên kết với nhau bằng bốn con đường dốc thoai thoải tỏa ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Đường lên càng cao thì lòng đường càng thu hẹp. Tầng trên cùng, tầng thứ ba, rất bằng phẳng và chính là nơi Hoàng đế Quang Trung thực hiện lễ đăng quang.

Núi Bân không quá cao, dễ dàng di chuyển và thuận lợi cho việc xây dựng đàn tế nhanh chóng. Ảnh: Internet

Núi Bân không quá cao, dễ dàng di chuyển và thuận lợi cho việc xây dựng đàn tế nhanh chóng. Ảnh: Internet

Dưới chân núi, xưa kia là những bãi đất trống rộng lớn tương đối bằng phẳng, đủ sức tập trung hàng vạn binh lính cùng voi ngựa và đại pháo. Từ đỉnh núi nhìn ra xa, có thể thấy người xưa đã khéo léo vận dụng thuật phong thủy và nghệ thuật cảnh quan chọn một vị trí tuyệt đẹp bao quanh bởi những dãy núi đồi liền kề tạo nên không gian rộng lớn, hùng vĩ.

Ngay sau lễ đăng quang tại núi Bân, trong khí thế hào hùng của đội quân Tây Sơn bách chiến bách thắng, chỉ trong vòng năm tuần, quân ta đã vượt qua gần 700km đường rừng núi, suối sâu và sông lớn. Dưới thế trận "một chọi ba", quân Tây Sơn đã quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh, thu hồi giang sơn, giành lại nền độc lập, đặt nền móng cho sự thống nhất đất nước.

Chứng tích duy nhất của chiều Tây Sơn Nguyễn Huệ trên đất Huế

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đặc biệt sau khi vua Quang Trung qua đời và triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long - Nguyễn Ánh đã thực thi chính sách trả thù tàn khốc. Mọi dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa sạch. Trong số ít những di tích còn sót lại, núi Bân được xem là nơi duy nhất gắn liền với vương triều Tây Sơn và vua Quang Trung ở cố đô Huế cho đến ngày nay.

Nhằm giữ gìn và phát huy tinh thần bất khuất của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo khu di tích và xây dựng tượng đài vua Quang Trung trên núi Bân.

Núi Bân được xem là nơi duy nhất gắn liền với vương triều Tây Sơn và vua Quang Trung ở cố đô Huế cho đến ngày nay. Ảnh: Internet

Núi Bân được xem là nơi duy nhất gắn liền với vương triều Tây Sơn và vua Quang Trung ở cố đô Huế cho đến ngày nay. Ảnh: Internet

Tượng Hoàng đế Quang Trung cao 21m, trong đó phần tượng cao 12m, đài cao 9m, được làm từ 18 mảng đá Thanh Hóa, mỗi mảng nặng từ 10 đến 60 tấn. Phía sau tượng đài là bức phù điêu dài gần 60m, mô tả quá trình từ khi nghĩa quân Tây Sơn khởi nghiệp cho đến khi Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Ở chính giữa bức phù điêu có khắc lại chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung: "Nhân, Nghĩa, Trung tín là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay cùng nhân dân đổi mới, sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân...". Bên trái bức phù điêu là lời thề của Hoàng đế Quang Trung khi ông tuyên thệ trước ba quân ở Nghệ An, trước trận tiến quân giải phóng Thăng Long: "Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...".

Empty

Khu di tích lịch sử này đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 28-QĐ/VH ngày 18/11/1988. Nơi đây sẽ mãi mãi là một địa chỉ lịch sử thiêng liêng và tự hào của dân tộc Việt Nam.

Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại vùng Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhưng quê gốc ở Nghệ An.
Ông đóng góp công lao vô cùng to lớn, giúp lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới Đàng trong – Đàng ngoài, tạo điều kiện thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, ông còn lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lược của quân Thanh ở phía Bắc, quân Xiêm ở phía Nam. Trong suốt 20 năm cầm quân, vua Quang Trung chưa từng thất bại một lần nào, là nỗi khiếp sợ của bất kỳ ai khi nghe đến tiếng tăm của ông.

>> 'Nóc nhà Nam Bộ' có Tượng Phật Bà bằng đồng với loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu, chuẩn bị đón 1.000 đại biểu trong Đại lễ Vesak 2025

Ngọn núi rộng hơn 400ha nằm giữa trung tâm thành phố biển đẹp bậc nhất Việt Nam, được mệnh danh ‘thiên đường xanh tươi’ khiến du khách không khỏi trầm trồ

Hòn đảo duy nhất Việt Nam có hai ngọn núi lửa đã tắt, tuổi đời hàng chục triệu năm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngon-nui-ba-tang-la-noi-len-ngoi-cua-vi-vua-tung-co-cong-xoa-bo-ranh-gioi-dang-trong--dang-ngoai-duoc-cong-nhan-la-di-tich-cap-quoc-gia-d135409.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngọn núi 'ba tầng' là nơi lên ngôi của vị vua từng có công xóa bỏ ranh giới Đàng Trong - Đàng Ngoài, được công nhận là di tích cấp quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH