Bất động sản

Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'

Thanh Sơn 08/10/2024 16:50

Mặc dù việc thi công đã hoàn thành và đã bàn giao cho đơn vị quản lý nhưng đến nay, dự án Cảng cá Thuận An (TP. Huế) vẫn chưa công bố mở cảng theo quy định.

Dự án Cảng cá Thuận An là một trong ba dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Trong đó, Cảng cá Thuận An có số vốn đầu tư lớn nhất, khoảng 220 tỷ đồng, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển.

Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'
Một góc Cảng cá Thuận An. Ảnh: Internet

Cảng Thuận An không chỉ là cảng cá thuần túy mà còn được thiết kế như nơi trú bão cho tàu thuyền ngư dân. Dự án đã hoàn thành vào tháng 12/2023 và được bàn giao cho Ban Quản lý Cảng cá Thừa Thiên - Huế vận hành từ tháng 1/2024.

Tuy nhiên, mặc dù đã hoàn thành và được đầu tư với hạ tầng hiện đại, Cảng cá Thuận An vẫn chưa thể đưa vào sử dụng sau gần một năm bàn giao, khiến dự án trở thành một công trình chỉ "để ngắm" ở thời điểm hiện tại.

Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'
Cảng cá Thuận An hiện vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau gần một năm bàn giao. Ảnh: Internet

Việc chưa thể khai thác gây lãng phí tài sản và ảnh hưởng đến hoạt động của ngư dân trong khu vực.

Nhiều tàu cá muốn neo đậu tại cảng mới nhưng do cảng chưa đủ điều kiện hoạt động, họ buộc phải neo tạm ở các khu trống xung quanh.

>> Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa giải pháp trả BĐS về đúng giá trị thực

Ngư dân hy vọng các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để Cảng cá Thuận An có thể hoạt động, đặc biệt khi Thừa Thiên - Huế đã vào mùa mưa bão.

Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'
Trong lúc cảng để không, người dân đã tận dụng mặt bằng để làm sân phơi hải sản. Ảnh: Internet

Một ngư dân bày tỏ mong muốn cảng Thuận An sớm được đưa vào sử dụng nhằm thuận tiện cho việc vươn khơi bám biển, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển và có chỗ yên tâm đưa tàu thuyền vào tránh bão.

Chia sẻ trên báo VTC News, ông Đào Quang Hưng - Chủ tịch UBND P. Thuận An, TP. Huế cho biết toàn phường có 117 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ với kế hoạch khai thác trung bình mỗi năm 14.000-15.000 tấn hải sản.

Vì cảng cá Thuận An mới đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng nên các tàu cá của ngư dân địa phương phải neo đậu, bốc dỡ hàng hóa và hải sản ở cảng cũ, một số tàu thuyền khác thì neo đậu bên ngoài.

Ngư dân mong muốn cảng cá Thuận An mới sẽ sớm được mở khai thác để phục vụ phát triển.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lý do chính khiến cảng chưa thể vận hành là do thiếu bình đồ đo độ sâu luồng lạch và chưa hoàn thành thủ tục đăng ký công bố mở cảng.

Trong quá trình triển khai, đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét để tàu có thể cập và xuất bến với công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm (tàu có công suất 6.000 CV).

Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'
Người dân mong muốn cảng nhanh chóng được đưa vào khai thác để ngư dân được vươn khơi bám biển. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, để hoàn tất bình đồ đo độ sâu cảng, cần tiến hành kiểm tra, rà soát, và nạo vét bổ sung một số vị trí còn sót.

Lãnh đạo Ban Quản lý Cảng cá Thừa Thiên - Huế cho biết đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Hàng hải Việt Nam với mục tiêu sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động.

"Khi hoàn thành việc xây dựng bình đồ, cảng sẽ được công bố mở và chính thức khai thác, vận hành", đại diện Ban Quản lý Cảng cá cho hay.

Liên quan đến dự án Cảng cá Thuận An, theo báo Phụ nữ TP. HCM, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nhiều lần báo cáo chậm tiến độ.

Tháng 1/2024, dự án mới được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế để vận hành.

Dù vậy, cho đến nay sau 10 tháng triển khai, công trình này vẫn chưa thể đi vào khai thác, gây lãng phí tiền và trở ngại cho hoạt động của ngư dân.

Trong cảng, khu hạ tầng gần như bị bỏ phí được người dân tận dụng để làm sân phơi hải sản vào ngày nắng, một số nơi ở khu vực cầu cảng, nhà điều hành hiện trong tình trạng cỏ mọc um tùm.

Đáng nói, dự án cảng cá này dù đã hoàn thành xây dựng vào tháng 12/2023 và được bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành từ tháng 1/2024, nhưng luồng lạch thì vẫn bỏ ngỏ, bình đồ đo độ sâu luồng lạch chưa có (trong khi việc này lẽ ra phải được hoàn thành trước), nên cảng chưa thể mở.

Cảng cá Thuận An khi đi vào khai thác sẽ đáp ứng công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, đồng thời cung cấp nơi neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300CV) đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão, góp phần phát triển bền vững nghề cá.

Ngoài ra, Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, nằm giữa xã Lộc Bình và Vinh Hiền với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, cũng là một phần của Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá Thừa Thiên - Huế. Hiện dự án này đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng và dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2024.

>> Vụ 'biệt phủ đẹp nhất Cà Mau': Tỉnh yêu cầu xử nghiêm khắc hơn, Sở Tư pháp đề xuất hướng xử lý

Tỉnh có đường bờ biển dài thứ 3 Việt Nam cho thuê gần 20ha đất xây cảng biển hàng lỏng lớn nhất cả nước

Chung cư Hà Nội vào năm 2025: Nguồn cung dồi dào nhưng phân khúc trung - cao cấp vẫn áp đảo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngu-dan-mong-ngong-duoc-vuon-khoi-bam-bien-cang-ca-220-ty-lam-xong-chi-de-phoi-nang-phoi-mua-252506.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngư dân mong ngóng được vươn khơi bám biển, cảng cá 220 tỷ làm xong chỉ để 'phơi nắng phơi mưa'
    POWERED BY ONECMS & INTECH