Nếu Tam Quốc có “Ngũ hổ tướng” phò trợ Lưu Bị thì ở Việt Nam cũng có năm vị tướng tài giỏi không kém dưới trướng Trần Hưng Đạo, được mệnh danh là “Ngũ hổ tướng” của Việt Nam
Tướng tài phải có lính giỏi
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị được phò tá bởi rất nhiều tướng giỏi, trong số đó nổi bật nhất có lẽ là “Ngũ hổ tướng”, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung. Cả 5 người đều võ công cao cường, tài trí hơn người, thậm chí, Quan Vũ còn được phong là võ thánh, ngang hàng với văn thánh Khổng Phu Tử.
Ít người biết, dưới trước Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cũng có những tướng vô cùng tài giỏi. Những vị anh hùng dân tộc này được xem là “Ngũ hổ tướng” của Việt Nam. Trong Binh thư yếu lược có ghi rõ quan điểm của Trần Hưng Đạo là nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng làm gốc, sĩ tốt lấy tướng làm chủ. Thế nên ông rất chú trọng việc tìm người hiền tài phò tá mình trên con đường binh nghiệp vì ông tin rằng muốn có binh mạnh để đánh thắng hoặc giữ vững non sông thì trước hết phải biết dùng tướng.
Ông còn nhận định rằng năm đức tính cần có của một vị tướng tài là dũng, trí, nhân, tín, trung. Họ phải “cứng rắn mà không bị bẻ gãy, mềm mỏng mà không bị vày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mạnh để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tước đoạt. Cứng mãi, mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm, biết nhu, biết cương mới là lẽ thường của đạo”.
“Ngũ hổ tướng” của Việt Nam
Bây giờ, năm mãnh tướng dưới trước Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo là Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Trong đó Yết Kiêu có lẽ là cái tên đặc biệt hơn cả. Ông tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 – 1303), quê ở làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Yết Kiêu được mệnh danh là “đặc công nước” đầu tiên của Việt Nam. Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi cha bệnh tật vì thế ông có khả năng bơi lội như cá, vô cùng linh hoạt khi xuống nước. Tương truyền ông có thể lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất, mò cua bắt cá cả ngày không sao.
Bấy giờ, giặc Nguyên kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh chiếm Đại Việt. Yết Kiêu không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền. Thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào, chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông: Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?
Đáp lại, ông nói: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”. Nào ngờ nhân cơ hội giặc không chú ý, Yết Kiêu đã nhảy xuống biển trốn về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước. Quân giặc đành trơ mắt nhìn nhau căm tức.
Cùng với Yết Kiêu, Dã Tượng là hai gia nô thân tín của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Với tài dùng người, Hưng Đạo Đại vương đã nhận ra tố chất của cả hai rồi tiến cử cho triều đình. Dã Tượng là người có tài thuần phục và huấn luyện voi chiến. Ông là người đã chỉ huy lực lượng tượng binh Nhà Trần giao chiến với kỵ binh quân Nguyên ở trận Vạn Kiếp. Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, ông đóng góp đắc lực, tận tình bảo vệ chủ tướng. Và cũng chính ông và Yết Kiêu có công lớn trong trận bắt sống Toa Đô.
Cao Mang tên đầy đủ là Lư Cao Mang. Ông là một trong “Ngũ hổ tướng” của Trần Hưng đạo và là người có công lớn trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Theo những gì sử sách ghi chép lại thì đình Đồng Mai hiện nay còn lưu giữ bốn câu thơ do chúa Trịnh Doanh đề tặng vị tướng này: "Vì dân vì nước gánh gian lao".
Người thứ tư trong “Ngũ hổ tướng” của Việt Nam là Nguyễn Địa Lô. Ông có tài bắn cung bách phát bách trúng, được mệnh danh là "thần tiễn" đương thời. Năm 1285, khi đạo quân của Toa Đô vừa từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng. Và cũng trong một trận tập kích, chính Nguyễn Địa Lô đã bắn chết tên phản nghịch Trần Kiện.
Người cuối cùng là Đại Hành, có rất ít tài liệu ghi chép về người này. Những gì hậu thế biết được chỉ đơn giản là ông xuất thân là gia nô, cận vệ trung thành của Hưng Đạo Đại Vương và góp công rất lớn trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông.