Người 'anh em' của Kem Tràng Tiền - thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng 74 tuổi vay 1.400 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ Bắc tiến

15-05-2024 22:20|Minh Nguyệt

Tại ngày 31/12/2023, OCH ghi nhận khoản vay dài hạn 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chiếm tới 84% tổng dư nợ tài chính.

Khoản nợ dài hạn 1.400 tỷ đồng tại VietinBank

Ngày 15/5, CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Tại Đại hội, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là kế hoạch lãi sau thuế chỉ đạt 2,66 tỷ đồng, “đi lùi” 64% so với năm 2023.

Trả lời cổ đông, ông Lê Đình Quang – Tổng giám đốc OCH cho biết vào cuối năm 2023, công ty có một khoản vay ngân hàng lớn để phục vụ mục đích mua bán và sáp nhập (M&A). Khoản vay ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh năm 2024, khiến chi phí tăng 14%, tương ứng 120 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60%.

>> Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền lại dự định thâu tóm thêm một doanh nghiệp thủy sản

OCH vay dài hạn 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)
OCH ghi nhận khoản vay dài hạn 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng VietinBank (Nguồn: BCTC năm 2023)

Tại ngày 31/12/2023, OCH ghi nhận khoản vay 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tương đương 84% tổng dư nợ tài chính. Tính đến cuối quý 1/2024, dư nợ giảm xuống còn 1.390 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho biết, đây là khoản vay dài hạn của CTCP Bánh Givral – công ty con của OCH với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) theo hợp đồng tín dụng ngày 13/12/2023 để mua lại phần vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng. Lãi suất vay là 7%/năm, thời hạn vay đến ngày 16/12/2030.

Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng tại CTCP IDS Equity Holdings, các hợp đồng tiền gửi của CTCP One Capital Hospitality và một thửa đất tại phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang.

>> Cũng 'nặng gánh' vay ngoại tệ nhưng 1 doanh nghiệp lại kiếm được tiền từ chênh lệch tỷ giá

1.4000 tỷ đồng và thương hiệu bánh “nức tiếng” Sài Gòn mơ chuyện Bắc tiến

Thương hiệu bánh nổi tiếng 74 năm tuổi xuất hiện lần đầu tiên ở góc phố Catinat (Sài Gòn) vào cuối năm 1950 dưới bàn tay của ông chủ Alain Portier người Pháp với tên gọi ban đầu là La Fontaine. Tới năm 1958, La Fontaine được chính thức đổi tên thành Givral.

Theo thông tin trên website, công ty đã phát triển hơn 150 loại bánh và hiện có 41 cửa hàng ở vị trí trung tâm của Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Givral mặc dù là thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng với người dân ở TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn còn khá xa lạ ở Hà Nội. Givral mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2021 và cho tới hiện nay chỉ mới có 5 cửa hàng ở Thủ đô.

Người 'anh em' của Kem Tràng Tiền: Thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng 74 tuổi, vay 1.400 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ Bắc tiến
Thương hiệu Bánh Givral hiện diện lâu đời tại Sài Gòn (Ảnh: Internet)

Báo cáo tài chính OCH cũng tiết lộ vào tháng 11/2023, CTCP Bánh Givral đã tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 650 tỷ đồng nhằm mục đích đầu tư 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng. Công ty Bình Hưng theo đó chính thức trở thành công ty con của Bánh Givral.

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng có vốn điều lệ 2.150 tỷ đồng, thành lập tại Bắc Ninh và hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà xưởng.

Về mục đích, việc Givral mua lại phần vốn góp nhằm tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng phát triển thị trường phía Bắc. Công ty cho biết đây là biện pháp hữu ích nhất để gia tăng lợi ích trong ngắn hạn, giúp xây dựng bổ sung cơ sở hạ tầng nhà máy sản xuất và đại lý kinh doanh tại miền Bắc, hạn chế rủi ro kinh tế vĩ mô và sức mua toàn thị trường bánh tươi suy giảm.

>> CTCK vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ muốn vay ngắn hạn BIDV 12.000 tỷ đồng

Người 'anh em' của Kem Tràng Tiền: Thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng 74 tuổi, vay 1.400 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ Bắc tiến
Cửa hàng Givral đầu tiên tại Hà Nội, được khai trương vào năm 2021 (Ảnh: Givral)

Trên thực tế, đến tận năm thứ 70 xuất hiện trên thị trường, tháng 2/2021, Bánh Givral mới bắt đầu mở rộng thị trường tại Hà Nội. Lần đầu "Bắc tiến" được đánh dấu kể từ khi Givral khai trương cửa hàng đầu tiên tại số 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, đặt ngay cạnh kem Tràng Tiền, tận dụng lợi thế từ nguồn khách tấp nập ra vào và thương hiệu đã rất nổi tiếng của "người anh em" cùng công ty mẹ.

Năm 2021, đại diện thương hiệu Givral thể hiện tham vọng mở rộng thị trường trong năm 2021 thông qua việc phát triển thêm các cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, cùng các cửa hàng đại lý mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như tăng trưởng thêm doanh thu.

Doanh nghiệp mong muốn thương hiệu bánh Givral không chỉ nổi tiếng trong Sài Gòn mà còn được người dân Thủ đô đón nhận và yêu mến, để thương hiệu bánh này sẽ trở thành một dấu ấn Sài Gòn giữa lòng Hà Nội.

Tuy nhiên, tốc độ Bắc tiến của Givral khó chậm khi nhìn vào số lượng cửa hàng tại sau 3 năm cũng như độ nổi tiếng, phủ sóng của thương hiệu này tại Hà Nội, nơi không thiếu những đại gia bánh ngọt lâu đời như Thu Hương, Nguyễn Sơn Bakery, Fresh Garden,Paris Gâteaux,....

>> Bất ngờ giá trị thương vụ Home Credit bán mảng kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới: Chỉ bằng 10% so với Việt Nam

Bất ngờ giá trị thương vụ Home Credit bán mảng kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới: Chỉ bằng 10% so với Việt Nam

Ngân hàng vốn điều lệ 9.000 tỷ mạnh tay chi gấp đôi cho nhân viên trong quý I

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-anh-em-cua-kem-trang-tien-thuong-hieu-banh-ngot-noi-tieng-74-tuoi-vay-1400-ty-dong-de-thuc-hien-giac-mo-bac-tien-234951.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Người 'anh em' của Kem Tràng Tiền - thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng 74 tuổi vay 1.400 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ Bắc tiến
POWERED BY ONECMS & INTECH