Từ một bà nội trợ trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á, bà Savitri Jindal đã làm nên truyền kỳ chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ.
Theo cập nhật mới nhất từ Danh sách tỉ phú của Bloomberg, Dương Huệ Nghiên, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Country Garden (Trung Quốc), người giữ vị trí nữ tỉ phú giàu nhất châu Á suốt 5 năm đã bị soán ngôi.
Tân nữ tỉ phú giàu nhất châu Á chính là Savitri Jindal, 72 tuổi, người phụ nữ Ấn Độ có 9 người con, sở hữu khối tài sản 18 tỷ USD. Bà là người giàu thứ 10 tại Ấn Độ và đang nắm giữ cương vị Chủ tịch của Tập đoàn Jindal hùng mạnh sau khi chồng - nhà sáng lập Jindal Group - qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng vào năm 2005.
Sống trong định kiến, bất đắc dĩ trở thành mẹ ở tuổi 15
Savitri Jindal sinh năm 1950, xuất thân trong gia đình đông con nghèo ở bang Assam (Ấn Độ). Ngay từ thuở thơ ấu, bà đã không được hạnh phúc. Savitri được cha mẹ sử dụng như một công cụ lao động từ nhỏ, từ giặt ủi nấu nướng cho đến phụ giúp gia đình làm nông.
Sống trong một xã hội "trọng nam khinh nữ", Savitri chưa bao giờ bước chân vào cổng trường. Cho dù điều kiện gia đình khá giả thì một bé gái như bà cũng chưa chắc được đến lớp học chữ. Thế nhưng năng lực học tập của Savitri vô cùng mạnh mẽ, bà đã lén học rất nhiều kiến thức trong sách vở.
Năm 15 tuổi, chị gái Savitri đột ngột qua đời vì bệnh, cả gia đình chìm ngập trong bi thương. Song vấn đề đau đầu nhất lúc bấy giờ là chị gái ra đi để lại 6 đứa con.
Chị mất, anh rể Om Prakash Jindal nhờ cậy bố mẹ vợ và Savitri chăm sóc con, vì ông còn bận bịu với sự nghiệp.
Một ngày nọ, mẹ nói với Savitri rằng: “Thôi thì con làm vợ của anh rể để chăm sóc cháu thay chị. Nếu anh rể cưới người phụ nữ khác thì các cháu phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng tội nghiệp”.
Mặc dù không đồng tình nhưng Savitri không có quyền được lựa chọn. Thế là bà đã bị bố mẹ ép gả cho Om Prakash Jindal khi 15 tuổi, kém chồng 20 tuổi.
Dì trở thành mẹ là chuyện vô cùng bình thường ở đất nước Ấn Độ. Ngay cả bản thân Savitri cũng không thể tin được mình lấy chồng, đã vậy còn là chồng của chị gái ruột. Đứa cháu trai lớn nhất chỉ kém bà 2 tuổi.
Sau kết hôn, Savitri đắm chìm vào trong ngày tháng bận rộn tối tăm mặt mày. Vừa chăm con vừa chăm chồng, bà chưa bao giờ than vãn lấy một tiếng.
Sau đó, Savitri và Om Prakash cùng sinh 3 đứa con, cộng thêm 6 đứa con của chị gái, tạo nên một đại gia đình.
Quần quật với 9 đứa con, Savitri căn bản không quan tâm đến chuyện làm ăn của chồng. Điều bà có thể cảm nhận rõ ràng nhất là cuộc sống ngày một tốt hơn, chồng cũng đưa cho bà nhiều tiền chi tiêu hơn. Cứ thế 36 năm lặng lẽ trôi qua.
Tuy nhiên biến cố ập tới vào năm 2005, chồng bà đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng. Cuộc sống bình yên của Savitri chính thức bị phá vỡ.
Tháo bỏ gông cùm, trở thành nữ phú giàu nhất châu Á
Cuộc đời đảo lộn khi chồng qua đời
Trong ấn tượng của Savitri, chồng đều bận bịu mỗi ngày, mấy ngày liền không về nhà là chuyện thường xuyên. Bà không hề hỏi về công việc của chồng vì tự hiểu bản thân chỉ cần làm tròn trách nhiệm của người phụ nữ nội trợ là được. Hơn nữa, chồng cũng không bàn bạc về công việc kinh doanh với người vợ ít học như bà.
Sau khi chồng qua đời, Savitri mới biết ông sở hữu một công ty đa lĩnh vực. Điều này đã khiến bà cảm thấy khủng hoảng trầm trọng.
36 năm qua, bà chỉ sống quanh quẩn trong xóm làng nhỏ bé, ngay cả giao tiếp với người lạ cũng khó khăn chứ đừng nói đến việc quản lý công ty. Song sự thật không thể thay đổi, vì là vợ hợp pháp của Om Prakash, Savitri trở thành người thừa kế duy nhất công ty.
Savitri vô cùng hoang mang, vì cả đời bà vốn đã trật khỏi nhịp phát triển của xã hội. Đương nhiên, không một ai tin tưởng việc người phụ nữ thất học như bà có thể chấp quản công ty.
Điều khiến Savitri không thể ngờ rằng, công ty mà chồng một tay gây dựng nên rất to lớn, thậm chí còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả Ấn Độ.
Để có thể tiếp quản công ty, Savitri phải từng bước học hỏi, tìm hiểu mô hình kinh doanh và quản lý sản xuất. Đến khi nắm rõ việc chồng từng làm, Savitri mới nhận ra bà không hề hiểu chồng - người đam mê thiết bị cơ khí từ nhỏ.
Với niềm đam mê và sự cố gắng của mình, Om Prakash đã sử dụng nguồn lực xây dựng nhà máy ở khắp mọi nơi trong Ấn Độ và ông đã đi vào hàng ngũ của các phú trên thế giới.
Vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp thép, tháng 11/2004, ông đã được Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh trao giải thưởng Thành tựu trọn đời.
Nhưng một vụ tai nạn trực thăng đã khiến Om Prakash qua đời ở tuổi 75. Và Savitri khi đó 55 tuổi, buộc phải bước ra khỏi vòng an toàn, nói lời tạm biệt với công việc của một bà nội trợ và xuất hiện trong các nhà máy thép.
Tiếp nối sự nghiệp của chồng và làm nên kỳ tích
Một người phụ nữ như Savitri không có hứng thú với sắt thép, thậm chí bà còn không biết điều hành công ty từ đâu. Song không cúi đầu trước khó khăn, bà quyết định đích thân đến các nhà máy để học tập, tìm hiểu quy trình sản xuất.
Thiếu hụt trình độ văn hóa, Savitri bù đắp bằng sự chăm chỉ và tập trung. Savitri không muốn tâm huyết bao năm của chồng bị phá hủy. Bà bắt buộc phải mạnh mẽ để làm chủ mọi thứ.
Mỗi lần xuất hiện ở nhà máy, Savitri lúc nào cũng bị chỉ trỏ, nói ra nói vào, nhưng bà không quan tâm mà chỉ cười trừ cho qua chuyện.
Trời không phụ lòng người, không lâu sau, Savitri đã nắm được tất cả quy trình sản xuất của nhà máy sản xuất thép. Nhưng vẫn còn rất nhiều chuyện đợi bà xử lý. Vì để nhanh chóng nắm vững nghiệp vụ, Savitri quyết định dọn vào “định cư” trong nhà máy.
Từ một người phụ nữ bị khinh thường, Savitri đã làm nên kỳ tích, trở thành câu chuyện huyền thoại chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ. Kể từ khi tiếp quản Tập đoàn Jindal, Savitri chưa từng dám lơ là, vẫn luôn nỗ lực học cách kinh doanh.
Vẻ ngoài bình thường, ăn mặc đơn giản, Savitri sống rất khiêm tốn. Mặc dù số phận mang đến cho bà muôn vàn khó khăn nhưng bà vẫn không lùi bước hay do dự.
Cách hành xử và đối nhân xử thế của Savitri khiến người ta cảm thấy bà là người phụ nữ yếu đuối, nhưng thật ra tính cách của bà vô cùng quả quyết. Tư tưởng mạnh mẽ đứng lên sau bao năm nhốt mình trong căn nhà với những đứa con càng khiến bà muốn thể hiện bản lĩnh hơn.
"Sợi dây" kết nối của đại gia đình
Dưới sự dẫn dắt của Savitri, Tập đoàn Jindal ngày càng phát triển. Điều khiến người khác không khỏi ngưỡng mộ là gia đình của Savitri vô cùng hòa thuận, các con đều rất tôn trọng mẹ.
Thật ra trước lúc mất, Om Prakash đã phân chia cổ phần công ty, để 4 người con trai không độc chiếm tất cả. Om Prakash chia cổ phần công ty hành 2 nửa, bản thân nắm giữ 50%, còn lại chia đều cho 4 con trai. Có thể vì sự sáng suốt này của Om Prakash, mà Savitri có thể nắm quyền tuyệt đối trong gia đình.
4 con trai tiếp quản một nghiệp vụ khác nhau. Anh cả phụ trách công ty ống nước, người thứ hai quản lý công ty thép, người thứ ba nắm công ty thép không gỉ, người nhỏ nhất làm chủ công ty điện lực.
Sự phân chia này đã không khiến cuộc tranh giành gia sản xảy ra. Khi Om Prakash mất, Savitri đứng tên toàn bộ tài sản và cổ phần của ông.
4 người con trai không hoàn toàn là con ruột của Savitri, nhưng đối xử bình đẳng với các con, nhờ đó họ rất nghe lời bà.
Mặc dù trước đó, đứng ngoài lề bên cạnh đế chế kinh doanh đồ sộ của chồng nhưng Savitri như là trung tâm móc nối các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Bà chăm sóc 9 người con rất chu đáo. 4 người con trai sau khi kết hôn vẫn cùng vợ con sống trong dinh thự của gia đình Jindal. Savitri chia dinh thự thành 4 khu vực riêng biệt, được nối với nhau bằng khu bếp chung, tất cả cùng sinh sống hòa thuận trong một nhà.
Là trụ cột chính trong nhà, cùng với tuổi tác ngày một tăng lên, Savitri dần tập trung vào gia đình nhiều hơn. Nhưng những sự kiện trọng đại của công ty đều có sự xuất hiện của bà. Các con trai đưa ra quyết định đều thông qua sự đồng ý của mẹ.
Để xí nghiệp gia tộc không xuất hiện nội chiến, Savitri còn cố tình nói với 4 con trai: “Đến thời điểm thích hợp, mẹ sẽ xem xét việc buông bỏ mọi quyền hành trong tay”. Các con nghe vậy thì càng nỗ lực làm việc hơn. Đây chính là một trong những bí quyết dạy con của Savitri.
Luôn cố gắng, đấu tranh cho phụ nữ
Cuối tháng 7/2022, khối tài sản dưới tay Savitri Jindal lên đến 18 tỷ USD, giúp bà trở thành nữ phú giàu nhất châu Á.
Song Savitri không hề kiêu ngạo, vẫn cứ thế duy trì sự nghiệp từ thiện của mình. Bà từng đưa ra lời cam kết trước công chúng rằng: “Tôi sẽ tận lực giúp đỡ những người nghèo khó, xây dựng càng nhiều nhà máy để mang đến cơ hội việc làm cho mọi người”.
Savitri không học đại học và dường như nó đã trở thành một chấp niệm trong lòng bà. Do đó, bà đã thành lập nên trường đại học tư rất có sức ảnh hưởng ở Ấn Độ.
Năm 2013, Savitri được chính quyền địa phương bổ nhiệm làm Bộ trưởng nội các, rất được lòng người và thường xuyên giao lưu gần gũi với người dân.
Savitri nhận thức rõ về địa vị của phụ nữ Ấn Độ. Bà đã nhiều lần sử dụng sức ảnh hưởng của mình để nỗ lực cải thiện địa vị và quyền của phụ nữ Ấn Độ. Bà kêu gọi xã hội tôn trọng phụ nữ, nâng cao vị thế của họ trong gia đình của họ và giúp nhiều người phụ nữ được tự do.
Savitri đã truyền lửa cho mọi người xung quanh bằng những hành động thiết thực. Trong bài phát biểu, bà từng nói ước mơ lớn nhất của mình là mang đến cho phụ nữ Ấn Độ cơ hội bình đẳng để phục vụ đất nước.
Là một phụ nữ Ấn Độ bị áp chế từ nhỏ, bà Savitri đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quyền của phụ nữ, năm ngoái, bà đã được trao giải Thành tựu quyền phụ nữ quốc tế. Từ một bà nội trợ trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á, câu chuyện của bà Savitri diễn ra ở Ấn Độ được coi là một điều thần kỳ.
Hiện tại tuổi đã không còn trẻ, nhưng Savitri vẫn mạnh mẽ trụ vững giữa dòng đời như cây cổ thụ. Bà cùng các con đưa xí nghiệp gia tộc ngày càng thịnh vượng.