Người phụ nữ dùng 35 tỷ mua đứt gần 200 chỗ đậu xe trong hầm chung cư: Cư dân bất bình kéo đến tận nhà, ban quản lý bị lên án dữ dội
Trong một khu chung cư ở Trung Quốc, một phụ nữ đã biến 196 chỗ đậu xe trở thành một vụ kinh doanh gây tranh cãi: mua với giá rẻ, sau đó bán lại với giá gấp đôi, khiến cư dân bức xúc và dấy lên cuộc tranh luận về ranh giới giữa quyền kinh doanh và đạo đức cộng đồng.
Cách đây vài năm, trong quá trình tìm kiếm một nơi an cư, bà Đường (Trung Quốc) đã chú ý đến một khu chung cư mới xây dựng. Ấn tượng bởi môi trường sống, bà nhanh chóng quyết định mua căn hộ tại đây. Trong khi hoàn tất thủ tục và tìm hiểu về điều kiện sinh hoạt tại khu vực này, bà bất ngờ nhận ra một cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng xung quanh khu chung cư còn sơ khai. Người dân dễ dàng đỗ xe miễn phí trên đường, khiến phần lớn cư dân không mặn mà với việc bỏ tiền mua chỗ đậu xe trong hầm, dù giá bán chỉ từ 50.000 đến 60.000 NDT – thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Tuy nhiên, bà Đường có cách nhìn khác. Dự đoán rằng khi hạ tầng hoàn thiện và dân cư đông đúc hơn, vấn đề đỗ xe sẽ trở nên nghiêm trọng với chỉ 500 chỗ đậu xe có sẵn trong khu chung cư, bà nhanh chóng đàm phán với chủ đầu tư để mua lại các chỗ đậu xe còn trống.
Để đẩy nhanh việc thu hồi vốn, chủ đầu tư đồng ý bán 196 chỗ đậu xe cho bà Đường với giá khoảng 1 triệu NDT (tương đương 35 tỷ đồng) sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Giá chỗ đậu xe tăng gấp đôi
Như bà Đường dự đoán, khu vực quanh chung cư nhanh chóng phát triển. Dân cư đông đúc và các quy định cấm đỗ xe trên đường càng khiến việc tìm chỗ đậu trở nên khó khăn. Cư dân buộc phải tìm đến các chỗ đậu xe trong hầm chung cư.
Tuy nhiên, nhiều người bất ngờ phát hiện hầu hết chỗ đậu xe đã được bà Đường mua lại và khóa địa điểm. Tình trạng thiếu chỗ càng trầm trọng khi bà rao bán lại với giá 10.000 NDT – gấp đôi giá gốc.
Ban đầu, cư dân đề xuất thuê chỗ đậu xe với giá 500 NDT/tháng nhưng bà Đường từ chối, khẳng định chỉ bán, không cho thuê. Một số người cố gắng tìm chỗ đỗ xe bên ngoài nhưng đều phải trả giá cao hơn nhiều hoặc chấp nhận bất tiện khi đỗ xe ở xa.
Trước áp lực, một số cư dân quay lại thương lượng, mong mua lại chỗ đậu xe với giá gốc, nhưng bà Đường kiên quyết giữ giá 10.000 NDT, cho rằng đây là giá trị thị trường hợp lý.
Sự phẫn nộ của cư dân leo thang. Họ cáo buộc bà "trục lợi trên khó khăn của người khác" và không ít người chỉ trích nặng nề. Một nhóm cư dân thậm chí tổ chức gây sức ép, yêu cầu bà bán lại với giá gốc. Ban quản lý khu chung cư cũng bị lên án vì "ngầm thỏa thuận" với bà Đường, dẫn đến việc toàn bộ chỗ đậu xe rơi vào tay một cá nhân, gây thiệt hại cho các cư dân còn lại.
Ban quản lý khu chung cư khẳng định rằng trước khi bán, họ đã thông báo công khai, tạo điều kiện để cư dân có thể mua chỗ đậu xe. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ai bày tỏ sự quan tâm. Việc bán lại toàn bộ các chỗ đậu xe cho bà Đường, theo họ, đã được thực hiện hợp pháp và minh bạch.
Về phía bà Đường, bà thẳng thắn phản hồi: "Lúc giá còn rẻ thì không ai muốn mua, giờ giá tăng lại bảo tôi bán giá cũ. Tôi kinh doanh hợp pháp và có quyền bán theo giá thị trường. Quyết định mua hay không là tùy ở các anh chị".
Câu chuyện nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Một số người đặt câu hỏi: Liệu chủ đầu tư có quyền bán nhiều chỗ đậu xe cho một cá nhân, và bà Đường có quyền tự ý tăng giá như vậy không?
Trước sự việc này, tờ NetEase 163 dẫn Điều 276 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng các chỗ đậu xe trong khu chung cư trước tiên phải đáp ứng nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, nếu cư dân không mua sau khi đã được thông báo công khai, chủ đầu tư có quyền bán lại cho người khác. Trong trường hợp này, việc bán 196 chỗ đậu xe cho bà Đường được xác nhận là hợp pháp vì đã tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý.
Về việc tăng giá bán, Điều 240 Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng nêu rõ rằng người sở hữu tài sản, bao gồm chỗ đậu xe, có toàn quyền sử dụng, kinh doanh và chuyển nhượng tài sản của mình. Giá bán do thị trường quyết định, miễn là không vi phạm quy định về giá cả. Vì vậy, nếu mức giá bà Đường đưa ra là hợp lý và không trái pháp luật, việc tăng giá là quyền kinh doanh hợp pháp của bà.
Mặc dù hợp pháp, nhiều ý kiến cho rằng việc bà Đường mua số lượng lớn chỗ đậu xe đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cư dân khác, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung chỗ để xe hạn chế. Một số cư dân cho rằng giao dịch này xâm phạm lợi ích cộng đồng và có thể đệ đơn kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Cho đến nay, kết luận cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên, câu chuyện này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: khi chọn nơi sinh sống, cư dân cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố dài hạn, bao gồm hạ tầng thiết yếu như chỗ đậu xe. Đồng thời, chủ đầu tư và ban quản lý cần minh bạch hơn trong việc bán các tài sản chung, ưu tiên nhu cầu của cư dân.
Đối với những người kinh doanh như bà Đường, dù có quyền hợp pháp, việc cân nhắc đến yếu tố cộng đồng và lợi ích chung cũng là điều cần thiết để tránh tạo ra những xung đột không đáng có, góp phần xây dựng môi trường sống hài hòa hơn.
Theo NetEase 163
>> Áp lực giảm phát vẫn đè nặng kinh tế Trung Quốc bất chấp gói cứu trợ 1,4 nghìn tỷ USD
Gần 64 tỷ đồng đầu tư xây dựng bãi đỗ xe khu vực sườn núi Phương Mai
Trung Quốc cho người lao động nghỉ có lương để chăm sóc cha mẹ già yếu