Xã hội

Nguồn gốc tên gọi thành phố Việt Nam được mệnh danh là 'thủ đô mùa hè' của Đông Dương, tương lai sẽ là quận rộng nhất cả nước

Vĩ Hạ 21/06/2024 20:01

Thời tiết mát mẻ tại đây dường như là nét đặc biệt ở vùng đất nhiệt đới gió mùa như Việt Nam nói riêng hay các nước Đông Nam Á khác nói chung.

Nằm ở tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt được coi như một trong những "thiên đường nghỉ dưỡng" của Việt Nam. Nơi đây được phát hiện vào năm 1893, là thời điểm bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên.

Vẻ đẹp mộng mơ của thành phố Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Phước

Vẻ đẹp mộng mơ của thành phố Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Phước

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer ấp ủ ý tưởng xây dựng khu nghỉ dưỡng dành cho giới chức Pháp tại Đông Dương. Sau khi nhận được thư đề xuất của Yersin, ông quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi sở hữu khí hậu mát mẻ tựa vùng ôn đới châu Âu, là địa điểm lý tưởng cho dự án này. Tháng 3/1899, Toàn quyền Doumer đích thân đến khảo sát Lâm Viên và chính thức quyết định triển khai ý tưởng đầy tham vọng này.

Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành “thủ đô mùa hè” (1942-1944).

Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Ảnh: Báo Vietnamnet

Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Ảnh: Báo Vietnamnet

Sau đó, hàng loạt công trình kiến trúc, nghỉ dưỡng, giải trí được xây dựng. Thời Pháp thuộc, Đà Lạt có hơn 1.300 biệt thự với kiến trúc đa dạng, nhiều nhất là kiến trúc phía Bắc nước Pháp. Chính vì thế nên nơi đây còn được ví là "tiểu Paris" của Việt Nam.

Về nguồn gốc tên gọi ngày nay, có ý kiến cho rằng, tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ cách phát âm sai lệch của từ "Đa Lạc" trong tiếng Hán, có nghĩa là "nhiều vui thú". Điều này trùng hợp với lý do người Pháp chọn cao nguyên Lâm Viên để xây dựng thành phố nghỉ dưỡng, nhằm mang lại sự thư giãn và an dưỡng cho các quan chức thuộc địa.

Con đường lát đá được bao phủ bởi hai hàng cây tràm cổ thụ ở Đà Lạt. Ảnh: Bảo Trường

Con đường lát đá được bao phủ bởi hai hàng cây tràm cổ thụ ở Đà Lạt. Ảnh: Bảo Trường

Khi đặt tên cho thành phố, người Pháp đã lấy câu châm ngôn "Dat Alliis Laetitium Alliis Temperriem" (có nghĩa là "cho người này niềm vui cho người kia sự mát lành") làm kim chỉ nam, ghép năm chữ cái đầu tiên thành tên gọi của thành phố Đà Lạt.

Một giả thuyết khác hợp lý, được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình nhất là Đà Lạt bắt nguồn từ Đạ Lạch. Đây vốn là tên một đoạn thuộc dòng suối Cẩm Lệ, từ khoảng hồ Than Thở đến thác Cam Ly ngày nay.

Trong tiếng của người Lạch (tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Cơ Ho, sống lâu đời trên cao nguyên LangBiang), Đa, Đạ hay Đăk có nghĩa là nước, sông, suối; Lạch hay Lạt là tên gọi bộ tộc đã sinh sống tại đây từ xa xưa. Do đó, Đà Lạt mang ý nghĩa là "nguồn nước của người Lạch", là quê hương lâu đời của họ.

Nhờ cảnh quan thiên nhiên hữu tình, thơ mộng cùng những công trình kiến trúc Pháp cổ kính, Đà Lạt còn được du khách ưu ái đặt cho nhiều cái tên mỹ miều như "thành phố mù sương", "thành phố ngàn thông", "thành phố ngàn hoa", "xứ hoa anh đào"...

Khung cảnh Đà Lạt về đêm. Ảnh: VTC News

Khung cảnh Đà Lạt về đêm. Ảnh: VTC News

Trải qua gần 130 năm, thành phố Đà Lạt với diện tích hơn 393km2 và có "công năng gốc" là đô thị nghỉ mát. Nơi đây được xem như thiên đường dành cho những người yêu thiên nhiên bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, những khu rừng thông xanh và nhiều thác nước hùng vĩ.

Các công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu. Ảnh: Báo Tiền Phong

Các công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu. Ảnh: Báo Tiền Phong

Đà Lạt còn là thiên đường dành cho những ai yêu thích phiêu lưu mạo hiểm với các hoạt động leo núi chinh phục những cung đường cheo leo, chèo thuyền vượt thác tung bọt trắng xóa. Hay đơn giản, du khách cũng có thể chọn cho mình những giây phút thư giãn nhẹ nhàng khi dạo bước giữa những vườn hoa rực rỡ khoe sắc.

Khắp nơi tại Đà Lạt, du khách đều có thể đắm chìm trong bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, đầy thơ mộng. Ảnh: Báo Lao Động

Khắp nơi tại Đà Lạt, du khách đều có thể đắm chìm trong bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, đầy thơ mộng. Ảnh: Báo Lao Động

Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Lạt sẽ được sát nhập thêm huyện Lạc Dương. Đến năm 2050, thành phố Đà Lạt sẽ trở thành quận, thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc trung ương Lâm Đồng.

Sau khi mở rộng, với diện tích 1.707km2, Đà Lạt sẽ trở thành quận có diện tích lớn nhất cả nước, gấp 13,6 lần quận rộng nhất Việt Nam hiện tại là Ô Môn (thành phố Cần Thơ) - 125,4km2.

Diện tích "quận Đà Lạt" sẽ lớn hơn 13 tỉnh thành gồm Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hậu Giang, Thái Bình, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.

Đặc biệt, Đà Lạt trong tương lai sẽ trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

>> Tỉnh sở hữu 'tiểu Paris' sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống

Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam do Pháp xây dựng: Từng mang quy mô 'khủng' nhất Đông Dương, nay là địa chỉ du lịch không thể bỏ lỡ cách Đà Lạt chỉ 15km

Có một 'Đà Lạt thu nhỏ' nằm ngay gần Hà Nội, từng xuất hiện trong MV triệu view của Đen Vâu, là 'toạ độ' check-in sống ảo cực đẹp

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguon-goc-ten-goi-thanh-pho-viet-nam-duoc-menh-danh-la-thu-do-mua-he-cua-dong-duong-tuong-lai-se-la-quan-rong-nhat-ca-nuoc-d125626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nguồn gốc tên gọi thành phố Việt Nam được mệnh danh là 'thủ đô mùa hè' của Đông Dương, tương lai sẽ là quận rộng nhất cả nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH