Nhà đầu tư chứng khoán có cơ sở để kỳ vọng vào gói hồi phục kinh tế của Chính phủ

07-11-2021 08:19|Đăng Điệp

Chứng khoán Rồng Việt - VDSC kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn trong khi yếu tố dài hạn dẫn dắt thị trường sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi thực tế của các doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích chiến lược thị trường chứng khoán tháng 11/2021. Theo đó, công ty nhấn mạnh về sự tái khởi động một cách rõ ràng hơn trong quý 4/2021 của các hoạt động kinh tế và các gói hỗ trợ sẽ có khả năng thúc đẩy tâm lý thị trường.

VDSC dự báo hoạt động kinh tế sẽ quay lại mạnh mẽ trong quý 4. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là một trong những yếu tố then chốt để kích hoạt nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

"Theo chúng tôi, gói hỗ trợ này sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Dự báo, tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cao hơn nhờ gói hỗ trợ này khi đạt 6,5% - 7,0% so với mức 6,4 - 6,8% như ước tính trước đây. Do đó, chúng tôi cho rằng tâm lý thị trường sẽ trở nên khá tích cực nhờ thông tin về những gói kích thích này.

Trong số các đối tượng của gói kích thích, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những trụ cột quan trọng. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu, bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhờ vào việc giải ngân gói hỗ trợ trong hai năm tới", VDSC phân tích.

Nhìn vào lịch sử từ các thị trường khác như Indonesia và Thái Lan, VDSC cho rằng tác động tích cực trong ngắn hạn là có thể dự đoán được. Trong 10 ngày sau khi thông tin về việc phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ USD, chỉ số SET (Thái Lan) đã tăng 1%. Đối với trường hợp của Indonesia, thị trường thậm chí còn diễn biến tốt hơn khi tăng 5% sau khi có tin tức về gói hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả khá trái chiều trong dài hạn khi thị trường Thái Lan đi ngang trong khi chỉ số của Indonesia tiếp tục đi lên. Do đó, VDSC kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn trong khi yếu tố dài hạn dẫn dắt thị trường sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi thực tế của các doanh nghiệp.

VDSC dự đoán tăng trưởng EPS năm 2021 đạt 46% YoY và sử dụng PE trung bình ba năm là 16,3 lần để đạt được mức 1.500 điểm. Đối với nhóm Ngân hàng, một số ngân hàng sẽ có kinh doanh khả quan như TCB và tốt hơn kỳ vọng như CTG sẽ hỗ trợ một phần cho thị trường. 

Đối với cổ phiếu nhóm Vingroup, VHM đang có cơ hội vào thời điểm này trên nền tảng kết quả khả quan của các giao dịch bán buôn và kết quả kinh doanh ổn định của họ trong quý 3, cùng với triển vọng 2022. Do đó, VDSC kỳ vọng thị trường dao động trong mức 1.400 – 1.500 điểm.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê duyệt tổng cộng 202 nghìn tỷ đồng (~8,8 tỷ USD và 2,6% GDP, các biện pháp tài khóa nhằm đối phó với các tác động tiêu cực của COVID-19. Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 1/11, đã có 8,34 triệu người lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với hơn 19,8 nghìn tỷ đồng được giải ngân. Tính tổng lại, chúng tôi ước tính hơn 114 nghìn tỷ đồng (~ 1,5%GDP) đã được giải ngân để giúp nền kinh tế đối phó với đại dịch ở khía cạnh chính sách tài khóa.

Về chính sách tiền tệ, theo Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã giảm tổng cộng 12,2 nghìn tỷ đồng lãi suất vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tương đương 59,4% cam kết của các ngân hàng này trong thời gian từ 15/7 đến 30/9. 

Nhìn chung, quy mô của các chính sách hỗ trợ hiện tại của Việt Nam vẫn ở mức tương đối khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN. Do đất nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư với GDP giảm đáng kể ở mức âm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2021, Chính phủ đang lên kế hoạch triển khai một gói kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 800 nghìn tỷ đồng (~35 tỷ USD và 9,4% GDP cho kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022 -2023. Nếu loại trừ chi đầu tư cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, gói kích thích kinh tế này so với quy mô GDP vẫn tương đối lớn (~7,5% GDP) khá lớn so với các biện pháp hỗ trợ hiện có.

'Sóng thần' đầu tư FDI từ Trung Quốc càn quét khắp thế giới

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đối thoại với giới trẻ

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-chung-khoan-co-co-so-de-ky-vong-vao-goi-hoi-phuc-kinh-te-cua-chinh-phu-128456.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhà đầu tư chứng khoán có cơ sở để kỳ vọng vào gói hồi phục kinh tế của Chính phủ
POWERED BY ONECMS & INTECH