Giới phân tích nhận định, việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động lên hơn 7% đối với kỳ hạn 12 tháng chắc chắn sẽ thu hút dòng tiền - nhất là từ kênh chứng khoán.
So với số dư tiền mặt kỷ lục hơn 100.000 tỷ đồng cuối quý I/2022, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại thời điểm cuối quý II/2022 tại nhiều công ty chứng khoán ghi nhận giảm nhẹ.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), son số này không phản ánh nhiều về triển vọng thị trường bởi hiệu quả lướt sóng rất thấp và nhiều rủi ro khó có thể kéo được dòng tiền lớn đã rút ra khỏi thị trường quay trở lại (quay trở về sản xuất kinh doanh, gửi tiết kiệm... hay nằm ở kênh đầu tư khác chứ không nằm ở trên tài khoản giao dịch chứng khoán).
Tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục gia tăng, dòng tiền bắt đáy vẫn đứng ngoài cuộc
Chúng ta nên quan tâm hơn về giá trị giao dịch trung bình trong mỗi phiên; trong các tuần gần đây, việc giá trị giao dịch vẫn đang trên đà suy giảm mới là điều đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Việc dòng tiền gửi tại các công ty chứng khoán giảm có thể đến từ việc nhà đầu tư đã rút ra khỏi thị trường và chuyển sang kênh gửi tiết kiệm trong bối cảnh thị tường chứng khoán tiếp tục gặp khó, mua vào lỗ nhiều hơn lãi trong khi lãi suất ngân hàng đã bắt đầu tăng trở lại.
Theo vị chuyên gia, nhiều ngân hàng thậm chí còn huy động lên hơn 7%/kỳ hạn 12 tháng chắc chắn sẽ thu hút dòng tiền.
Tuy nhiên, cá nhân ông Bình cho rằng điều này chưa phản ánh điều gì bởi nếu thị trường chứng khoán hấp dẫn trở lại thì dòng tiền sẽ quay lại rất nhanh.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco, việc số dư tiền mặt tại các công ty chứng khoán giảm nhẹ kết hợp với thanh khoản thấp của thị trường trong quý II (giảm khoảng 34% so với quý I) cho thấy dòng tiền trên thị trường đang có xu hướng chuyển sang lĩnh vực khác hấp dẫn hơn.
Ở thời điểm hiện tại, môi trường lạm phát tăng lên khiến nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách “diều hâu” (ủng hộ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát). Do đó, các kênh tiền gửi tại ngân hàng thương mại có thể là nơi dòng tiền đang hướng tới trong giai đoạn hiện tại.
Như vậy, có thể thấy rủi ro lạm phát tăng đang tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư – chuyển dịch một phần tài sản rủi ro sang các kênh đầu tư an toàn hơn.
Cập nhật biến động lãi suất tiền gửi mới nhất tại các ngân hàng đầu tháng 7/2022