Nhà ga sân bay 2.300 tỷ có kiến trúc cung đình độc nhất Việt Nam: Tiềm năng đón 5 triệu hành khách/năm, mái xếp chồng mang khát vọng đặc biệt
Với kiến trúc độc đáo có lớp mái trải dài, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài nổi bật với kiến trúc nhà ga kết hợp kiến trúc cung điện Huế.
Sân bay Phú Bài có tên gọi đầy đủ là Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài - Phu Bai International Airport (PBIA), nằm tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km về phía Đông Nam. Đây là công trình trọng điểm của Huế và khu vực miền Trung, giúp góp phần phát triển tiềm năng du lịch, là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh thành 3 miền và quốc tế.
Giao thông hàng không là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và giao thương quốc tế. Năm 2013, nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Nhà ga T1) đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp công suất phục vụ 1,5 triệu hành khách/năm (800 hành khách/giờ cao điểm).
Tuy nhiên, đến năm 2016, hành khách thông qua Cảng đã vượt công suất phục vụ (gần 1,6 triệu khách). Do đó, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài cần có một nhà ga quốc tế với quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ phù hợp với vai trò và vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2- Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài được khởi công ngày 29/12/2019 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư được xây dựng với công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm (1 triệu khách quốc tế và 4 triệu khách quốc nội), có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Nhà ga được thiết kế không gian chức năng với 2 tầng. Trong đó, tầng 1 là ga đến gồm sảnh đến, băng chuyền hành lý, khu vực nhập cảnh, cảng vụ, hải quan, phòng chờ VIP, phòng hành lý thất lạc, kiểm soát an ninh; tầng 2 là ga đi, nơi hành khách làm thủ tục, kiểm soát an ninh, xuất cảnh, chờ lên máy bay, với 5 cầu ống dẫn khách ra cửa tàu bay.
Nhà ga hành khách T2 được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng thiết kế hài hòa như cung điện, hệ thống trang thiết bị an ninh, hệ thống điện lạnh hiện đại, hệ thống sinh trắc học nhận diện khuôn mặt kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia Việt Nam. Tất cả các thiết kế đều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh, an toàn, tiện nghi cho khách hàng sử dụng, đi đến và thưởng ngoạn.
Cao trình khách đi ở cao độ +8,80 m so với mặt đất, cho phép giao thông vận hành bên dưới được thông suốt và tạo tầm nhìn thông thoáng. Hành khách đi tiếp cận nhà ga từ cầu cạn trên cao để vào sảnh làm thủ tục bay và sau đó đi qua khu kiểm tra an ninh.
Phòng chờ lớn được lắp đặt ghế kim loại lót nệm, kết hợp với hệ thống nhà hàng ăn uống mua sắm các mặt hàng lưu niệm được bố trí song hành. Hành khách từ đây có thể ngắm nhìn sân bay thông qua cửa kính.
Điểm nổi bật nhất của nhà ga hành khách này chính là thiết kế kiến trúc được nhận xét là độc đáo nhất tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Ý tưởng thiết kế của nhà ga dựa trên sự nghiên cứu đầy đủ về bối cảnh địa lý và văn hóa của địa phương, đó là quần thể Núi Ngự và những ngọn núi bao quanh thành phố, là thiên nhiên hùng vĩ của sông Hương và là quần thể phức hợp kiến trúc lịch sử và văn hóa của thành phố Huế.
Kiến trúc cũng lấy cảm hứng từ sự đa dạng của văn hóa triều đại Cố đô Huế và các họa tiết tượng trưng cho nền văn hóa ở Huế. Các họa tiết này được phát triển trong các tiểu cảnh khác nhau của nhà ga và được thể hiện như là một chủ đề để nâng cao giá trị cho công trình.
Ngoại thất công trình được lấy cảm hứng từ kiến trúc Cung điện Huế với đặc trưng là các lớp mái chồng xếp lên nhau và vươn xa, hình tượng các lớp mái đó được cách điệu lên hình thức mái của công trình nhà ga hiện đại nhưng không dập khuôn kiến trúc cổ.
Từ hướng đường tiếp cận, nhà ga T2 có lớp mái trải dài và hiện diện nổi bật vừa có tính đặc trưng của một kiến trúc nhà ga hành khách vừa ấn tượng như thể kiến trúc cung điện Huế đang vút cao lên bầu trời. Thiết kế của nhà ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài thể hiện khát vọng vươn lên và hướng tới tương lai.
Trong khai thác vận hành cảng hàng không, sân bay, T2 Phú Bài cũng là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ.
Hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không; hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý của mình; hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI để phát thanh tìm theo tên hành khách; triển khai hệ thống ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, Biometric nhận diện khuôn mặt cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động; hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động... đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách.
Ngày 17/6/2023, nhà ga hành khách T2 chính thức được khánh thành. Dự án đi vào hoạt động sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đạt cấp 4E; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, đồng thời thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư; tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tỉnh Thừa Thiên Huế sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
ACV đề xuất giải pháp trước thềm khai thác dự án sân bay Long Thành
Nhà ga gần 11.000 tỷ của sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra sao sau một năm thi công?