Bất động sản

Nhà giá rẻ đến thời, trăm dự án xếp hàng chờ vay gói 120.000 tỷ

Nguyễn Lê - Tuân Nguyễn 02/08/2023 - 07:29

Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng bắt đầu rục rịch giải ngân. Hàng trăm dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng. Nhưng, vẫn cần thêm giải pháp thúc đẩy để tăng cung, tăng hấp thụ tín dụng ưu đãi.

Người mua nhà, doanh nghiệp còn “e dè”

Là viên chức ở một cơ quan nhà nước, chị Thu Hằng khấp khởi mừng ngay khi có thông tin về gói tín dụng ưu đãi để mua nhà ở xã hội.

Thế nhưng khi biết mức lãi suất 8,2%/năm, chị Hằng cũng e ngại khi thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ gần 20 triệu đồng.

“Dự án nhà ở xã hội xếp hàng mua ở Hà Nội vừa qua cũng có giá gần 20 triệu đồng/m2. Căn hộ diện tích 60m2, mất khoảng 1,2 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 800 triệu đồng với lãi suất 8,2% thì tôi sợ không đủ tiền trang trải sinh hoạt và trả tiền gốc lãi ngân hàng mỗi tháng”, chị Hằng lo ngại.

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã thu hút hàng nghìn người bốc thăm quyền mua căn hộ. (Ảnh chụp cuối tháng 6/2023). (Ảnh: Nguyễn Lê)

Còn về phía cho doanh nghiệp vay, Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, quá trình triển khai cho thấy việc giải quyết các thủ tục pháp lý mất rất nhiều thời gian.

“Có tình trạng các doanh nghiệp không mặn mà tham gia dự án thuộc gói tín dụng 120.000 tỷ này. Thứ nhất, họ bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%. Thứ hai, giá bán và người mua lại do các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố nơi có dự án lựa chọn. Chỉ cần dự án chậm tiến độ thôi là chủ đầu tư sẽ không có lãi”, bà Bình nói.

Về phía người mua nhà, vị phó tổng giám đốc cho hay, do bị khống chế về diện tích, hơn nữa phải 5 năm sau khi nhận bàn giao nhà mới được chuyển nhượng, nên nhiều người còn tâm lý e ngại “mua nhà thương mại giá vừa túi tiền còn hơn mua nhà ở xã hội”.

Giải pháp nào thúc đẩy cung – cầu?

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện chỉ có 4 ngân hàng tham gia, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. Lãi suất trên 8%, dự kiến thời gian ưu đãi trong vòng 5 năm. Với thu nhập của công nhân, người thu nhập thấp thì quá khó để vay.

“Nhà nước cần có hỗ trợ thêm về mức lãi suất cho người mua, nên ở mức bằng với mức lãi suất tiền gửi, khoảng 6% hoặc thấp hơn thì mới phù hợp với những người dân thu nhập thấp”, ông Thanh kiến nghị.

Theo ông Thanh, hiện số lượng dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện bán quá ít. Cùng với đó, người có tiền mua được ngay và có đủ điều kiện trả được cả gốc lẫn lãi trong vòng 5 năm lại là con số không nhiều.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng cần kéo dài thời gian cho vay ưu đãi, nếu không sẽ rất khó để hấp thụ gói tín dụng này.

Ngoài ra, ông Thanh đặt câu hỏi, tại sao các khu nhà ở thương mại làm quy củ cả khu đô thị với đầy đủ các tiện ích mà nhà ở xã hội không làm theo để tiết kiệm chi phí đầu tư, hạ giá thành và nâng chất lượng lên?

“Nếu không thay đổi tư duy làm nhà ở xã hội thì gói 120.000 tỷ đồng cũng chỉ ‘treo’ lên, còn hấp thụ được sẽ rất khó”, ông Thanh nhấn mạnh.

Trước những khó khăn trong việc triển khai, Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, hiện đang có ý kiến kiến nghị nên giao cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) thực hiện các dự án nhà xã hội, bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai.

Bà Bình kiến nghị các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án để tăng nguồn cung nhà xã hội.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long cho biết, ngoài gói 120.000 tỷ đồng, ngân hàng có thêm gói tín dụng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở thương mại thuộc phân khúc trung bình.

“Từ đầu năm đến nay BIDV đã ban hành 25 gói tín dụng với tổng quy mô 450.000 tỷ đồng. Dư nợ hiện hữu là 314.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất của thị trường từ 0,5-2,5%/năm tuỳ từng đối tượng”, ông Long nói.

Trong khi đó, bà Bình lại cho biết, từ đầu năm 2023 ngân hàng đã giảm lãi suất đến 3% cho các dự án bất động sản dở dang để giúp khách hàng phục hồi hoạt động và hoàn thiện dự án.

Đặc biệt, trong tháng 5/2023 ngân hàng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có dư nợ trung và dài hạn với mức giảm lãi suất 0,5%, áp dụng từ tháng 5/2023 đến hết tháng 9/2023.

Nhiều dự án đủ điều kiện vay ưu đãi
Từ đầu tháng 4, Chính phủ triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo đó, mức lãi suất gói 120.000 tỷ đồng thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng trên.
Đã có hàng chục tỉnh, thành phố cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội mới. Hiện Bình Dương có 4 dự án, Đà Nẵng có 3 dự án; An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh cùng có 2 dự án. Các tỉnh Tây Ninh, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Giang cùng có 1 dự án...

Hơn 1.000 căn hộ bán cho người nước ngoài sẽ xuất hiện tại hai quận của Hà Nội

Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ có trung tâm thể thao quân đội quy mô gần 9ha

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nha-gia-re-den-thoi-tram-du-an-xep-hang-cho-vay-goi-120-000-ty-2170639.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà giá rẻ đến thời, trăm dự án xếp hàng chờ vay gói 120.000 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH